Nam sinh chê đề thi đại học, khi biết điểm và hoàn cảnh gia đình cậu thì ai cũng nể

13:32 | 30/06/2023;
Câu chuyện của nam sinh này đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Trong kỳ thi đại học Cao khảo (Trung Quốc) năm 2018, một thí sinh tên Thiền Tiểu Long đã khiến dư luận ngỡ ngàng với màn phỏng vấn cực kỳ kiêu ngạo của mình.

Theo đó, Thiền Tiểu Long là thí sinh bước ra khỏi phòng thi đầu tiên. Khi được phóng viên hỏi cảm xúc, cậu nói: "Mấy câu hỏi rác rưởi này còn muốn ngăn cản tôi đi làm sao?". Nói xong, nam sinh lập tức rời đi, khiến ai nấy ngỡ ngàng. Ngay lập tức, phần phỏng vấn của Thiền Tiểu Long gây bão mạng xã hội. Cậu được gọi là "thí sinh đại học kiêu ngạo nhất".

Rất nhiều người để lại bình luận không mấy thiện cảm về Thiền Tiểu Long. Một số người nói cậu trông giống lưu manh, một số nhận định "chắc là muốn gây chú ý đây mà". Hoặc có người gay gắt hơn nói "Cậu ta bị điên rồi!".

Nam sinh chê đề đại học không ra gì, khi biết điểm và hoàn cảnh gia đình cậu thì ai cũng nể - Ảnh 1.

Nam sinh Thiền Tiểu Long và màn phỏng vấn gây bão mạng xã hội năm 2018.

Hoàn cảnh gia đình gây bất ngờ của "nam sinh kiêu ngạo"

Khi cư dân mạng đang ào ào "ném đá" Thiền Tiểu Long thì cậu lại không hay biết gì. Bởi lúc đó, nam sinh đang phải vận chuyển các thanh sắt thép trên công trường. Thiền Tiểu Long cũng chỉ có một chiếc điện thoại di động cũ và không thể lướt mạng.

Thiền Tiểu Long sinh năm 2000, trong một gia đình nghèo khó ở Ninh Hạ. Từ lúc nhỏ, cậu chưa từng có máy chơi game hay các sản phẩm điện tử.

Tuổi thơ của nam sinh chỉ có học hành và làm lụng ngoài đồng. Bố của Thiền Tiểu Long - ông Thiền Quý Đức từng bị chấn thương ở thắt lưng dẫn đến thoát vị đĩa đêm rất nặng và chỉ có thể làm được những công việc lặt vặt kiếm thêm thu nhập ít ỏi.

Thiền Tiểu Long là con trai cả, từ nhỏ đã phải gánh vác trọng trách trong gia đình. Học xong cấp 2, cậu phải đi làm thêm để phụ giúp kinh tế. Dù vậy, việc học của cậu chưa bao giờ bị bỏ bê. Bởi ông Thiền Quý Đức biết rằng, học tập chính là cách để thoát nghèo.

Ban đầu, Thiền Tiểu Long học trường tiểu học trong làng. Nhưng vì chất lượng học kém, lại không có lớp học tiếng Anh nên ông Thiền Quý Đức đã nghĩ đến việc chuyển con sang một trường tốt hơn ở quận lân cận, cách 5km.

Tuy nhiên, vì không có hộ khẩu ở quận nên Thiền Tiểu Long bị nhà trường từ chối. Ông Thiền Quý Đức không bỏ cuộc, nhiều lần tìm gặp, thuyết phục hiệu trưởng. Cuối cùng Tiểu Long được nhập học, không bao lâu thì đứng nhất khối.

Ông Thiền Quý Đức cũng cắn răng bỏ ra 900 NDT (2,9 triệu đồng) từ quỹ sinh hoạt phí của gia đình để mua xe máy cũ đưa đón con trai đi học vì không muốn cậu phải đi bộ quá xa. Ông cũng yêu cầu con phải học tiếng Anh nghiêm túc, chép lại từ vựng mới mỗi tối.

Nam sinh chê đề đại học không ra gì, khi biết điểm và hoàn cảnh gia đình cậu thì ai cũng nể - Ảnh 2.

Chiếc xe máy cũ của gia đình.

Thiền Tiểu Long biết bố nghiêm khắc là vì nghĩ cho mình nên cậu không bao giờ phàn nàn và càng nỗ lực hơn. Lên cấp 2, Thiền Tiểu Long được nhận vào một trường cấp 2 top đầu nhưng vì học phí quá tốn kém nên cậu đã cãi lời bố, khăng khăng muốn học một trường bình thường trong thị trấn. Điều này khiến ông Thiền Quý Đức tức giận và tát con một cái thật nặng.

Tuy nhiên sau đó, ông hối hận và ngồi xuống bình tĩnh nói chuyện với con. Dưới sự thuyết phục của bố, Thiền Tiểu Long quyết định đi học trường cấp 2 trọng điểm.

Nam sinh chê đề đại học không ra gì, khi biết điểm và hoàn cảnh gia đình cậu thì ai cũng nể - Ảnh 3.

Ông Thiền Quý Đức.

Lên cấp 3, Tiểu Long đi học xa nhà và được bố cho một chiếc điện thoại di động nút bấm đã rất cũ và lỗi thời. Đây chính là chiếc điện thoại ông Thiền Quý Đức từng dùng khi đi làm, giờ để lại cho con. Với Tiểu Long, đây chính là báu vật vô giá, được nâng niu vô cùng. Dù rằng khi đi học, Thiền Tiểu Long nhận thấy điện thoại của mình quá khác biệt so với điện thoại của các bạn nhưng cậu chẳng quan tâm. Với cậu, hai chức năng gọi điện và báo thức là quá đủ dùng.

Thực tế, Tiểu Long cũng không có thời gian nghịch điện thoại. Cậu thường dậy lúc 5, 6h sáng để xem bài tập và thường học đến 12h đêm. Ngoài việc học, Tiểu Long không quan tâm nhiều đến cơm ăn áo mặc, không mua quần áo mới, không kén chọn bữa ăn. Ba năm cấp 3, Tiểu Long chỉ ăn cơm niêu trong căng tin của trường vì rẻ.

Bất cứ khi nào có ngày nghỉ, cậu luôn trở về nhà để phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Mặc dù Thiền Tiểu Long tỏ ra không quan tâm đến nhiều thứ, nhưng cũng từng nghĩ tới việc: Tại sao khoảng cách giàu nghèo lại lớn như vậy?

Sau này, cậu nghiệm ra, thay vì lo lắng về những điều này, tốt hơn hết là dựa vào nỗ lực của bản thân để cuộc sống của gia đình mình tốt hơn. Thế là đủ.

Thiền Tiểu Long cũng chỉ so sánh mình với người khác về mặt nỗ lực học tập chứ không thích so sánh về thành tích học tập. Theo cậu, chỉ cần đối chiếu với chính mình, nhận ra mình còn thiếu sót ở đâu trong từng khóa học, từ đó vạch ra kế hoạch hàng ngày cho bản thân, từng bước tiến tới mục tiêu để bứt phá chính mình.

Trước kỳ thi tuyển sinh đại học, Thiền Tiểu Long rất tự tin có thể trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa hoặc Bắc Đại. Đây là 2 trường đại học đứng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, cậu không nói nhiều mà chỉ bảo với bố đừng lo, mình sẽ thi đậu trường top.

Trong phòng thi, Thiền Tiểu Long làm bài rất tốt. Khi được phóng viên hỏi, cậu đã trả lời với thái độ đầy tự tin và kiêu hãnh.

Ngày công bố điểm thi, Thiền Tiểu Long phải chạy ra một quán cafe internet đã tra điểm. Số điểm 676 khiến cậu vỡ òa hạnh phúc. Tiểu Long cũng nhận được giấy báo nhập học của Đại học Thanh Hoa.

Dù đã làm việc chăm chỉ ở công trường suốt mùa hè nhưng thu nhập của Tiểu Long vẫn không đủ trả chi phí đại học. May thay, phía địa phương đã có sự trợ giúp cho nam sinh nhà nghèo, vượt khó này.

Được biết năm 2021, Thiền Tiểu Long quyết định nhập ngũ. Hiện giờ cậu tham gia lực lượng Hải quân, được huấn luyện nghiêm ngặt mỗi ngày. Hiện tại, mỗi khi nghĩ lại sự kiên trì và nghiêm khắc của bố ngày trước, Thiền Tiểu Long lại rưng rưng cảm động vì tình yêu của bố dành cho mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn