Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai giữa rừng già Pù Mát (Bài 2)

Anh Quân
30/06/2023 - 15:58
Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai giữa rừng già Pù Mát (Bài 2)

Gia đình chị Lê Thị Dung - một trong những hộ dân đặc biết khó khăn ở Khe Nóng

Điện, đường, trường, trạm - những hạ tầng thiết yếu nhất trong xã hội ngày nay đều không có ở cụm dân cư của 50 hộ dân người Đan Lai tại Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

Trần ai đường vào Khe Nóng

Sống biệt lập dưới tán rừng già thuộc vườn quốc gia Pù Mát, thế giới của 50 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu người Đan Lai ở Khe Nóng, xã Châu Khê gói gọn trong hai từ "đói khổ". Hàng chục năm nay, người dân ước mơ có một con đường để thông thương với thế giới bên ngoài; mong có nguồn điện lưới chiếu sáng; mong có một trạm y tế và mong một ngôi trường để con em ở Khe Nóng được đi học thuận lợi. Thế nhưng, mọi thứ vẫn xa vời.

"Không có điện, đường thì không thể phát triển", anh Vũ Quốc Việt - chiến sĩ biên phòng Châu Khê, người luôn đau đáu với cuộc sống của bà con Đan Lai ở Khe Nóng, chia sẻ. Theo anh Việt, để người dân hôm nay biết trồng lúa nước, biết chăn nuôi gia súc là cả một quá trình kiên trì "cầm tay chỉ việc" của lãnh đạo xã và bộ đội biên phòng Châu Khê. Nhưng chừng đó là quá ít để cải thiện cuộc sống với những khó khăn chồng chất hiện nay của người dân Khe Nóng.

Từ cụm dân cư Khe Nóng đến trung tâm xã Châu Khê khoảng 30km. Tuy không phải là quá xa nhưng lại là quãng đường đầy gian nan, cách trở. "Muốn ra UBND xã, chúng tôi phải vượt qua 4 con suối nên vào mùa mưa, cụm Khe Nóng thường xuyên bị cô lập. Chỉ một trận mưa giông, con đường độc đạo bị chia cắt hoàn toàn", anh Lê Văn Thoại - Phó cụm dân cư Khe Nóng chia sẻ.

Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai dưới tán rừng già (Bài 2) - Ảnh 1.

Con đường từ trung tâm xã Châu Khê vào Khe Nóng vô cùng gian nan

Cũng theo anh Thoại, đã không ít lần người dân Khe Nóng bị đau ốm đã phải dùng chiếc bạt dù buộc vào cây luồng luồn rừng khiêng ra ngoài trạm y tế xã chữa trị. Có thời điểm, suốt 2 tháng trời, người dân bị cô lập vì lũ. Chiếc xe máy của anh Thoại gửi ở lâm trường chỉ cách mấy cây số nhưng không sao đưa về được.

Nghèo khó, đường sá đi lại quá khó khăn nên ở Khe Nóng có rất nhiều người dân bị bệnh tật, khuyết tật theo nhiều cách khác nhau. Đó là hậu quả của việc ốm đau, tai nạn... nhưng họ đã phó mặc số phận mà không chữa trị hoặc chữa trị không đến nơi đến chốn. Anh La Văn Khai (SN 1986) là một trong những trường hợp như vậy.

Anh Khai từng là trụ cột gia đình. Nhà anh rất nghèo và có đến 5 người con, cháu nhỏ nhất mới 2 tuổi. Cách đây 2 năm, trong một lần lên rừng lấy rau, anh Khai không may bị trượt chân ngã vỡ xương chậu. Được mọi người đưa đi viện chữa trị, vết thương bình phục rất tốt. Tuy nhiên, sau khi về nhà, do đi lại không cẩn thận, vết thương tái phát.

Nhiều đêm đau đến quặn thắt ruột gan nhưng trong nhà không có lấy một xu, hàng xóm láng giềng cũng cùng chung cảnh ngộ. Anh Khai mặc cho những cơn đau hành hạ. Thời gian sau đó, dù những cơn đau không còn nhưng chân phải ngày một teo tóp và hiện tại, anh Khai trở thành người tàn phế khi bước cao bước thấp, đi lại rất khó khăn.

Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai dưới tán rừng già (Bài 2) - Ảnh 2.

Anh La Văn Khai (bế con) bế con trai út đang bị đau đầu gối.

Anh Khai bây giờ chỉ ngồi ở bậu cửa nhìn ra. Cuộc sống của gia đình trông cả vào một mình vợ là chị La Thị Mười. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, anh Khai đang ôm con trai út La Văn Tuấn ngồi trên tấm phản trước nhà.

Anh Khai cho biết, suốt cả tuần qua bỗng dưng đầu gối của Tuấn sưng to rồi cháu không thể đi lại được. Đã mấy ngày, Tuấn chỉ nằm trên võng chứ không thể ra ngoài chơi đùa cùng mấy bạn trong xóm. Thương con nhưng trong nhà không có đồng nào để đưa con đi viện thăm khám.

Không chỉ đói nghèo, nhắc đến gia đình anh Khai, cả bản Khe Nóng ai cũng ái ngại bởi vợ chồng anh là trường hợp hôn nhân cận huyết. Bố anh Khai và mẹ chị Mười là anh em cùng cha khác mẹ. 

Ngày biết anh Khai và chị Mười có tình cảm với nhau, gia đình cũng quyết liệt ngăn cấm. Thế nhưng, lúc đó "gạo đã thổi thành cơm", chị Mười đã mang thai nên cuối cùng gia đình đành nhắm mắt chấp nhận cho cuộc hôn nhân cận huyết này.

Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai dưới tán rừng già (Bài 2) - Ảnh 3.

Ngôi nhà tranh của gia đình anh Khai

Những đứa trẻ Đan Lai nhọc nhằn đi tìm con chữ

Cuộc sống nghèo khó nên ở Khe Nóng hầu hết nhà của các hộ dân đều mái tranh vách nứa. Cả cụm chỉ có một ngôi nhà được xây dựng kiên cố, đó chính là điểm trường tiểu học. Nơi đây từng là nơi học tập của cả học sinh tiểu học lẫn mầm non, nhưng đã bị bỏ hoang từ gần 1 năm nay.

Chủ tịch UBND xã Châu Khê - Kha Văn Thương cho biết, do chính sách mới nên từ năm 2022 các điểm trường lẻ đã không còn nên điểm trường Khe Nóng vì thế cũng phải đóng cửa. Để đi tìm con chữ, con trẻ mầm non người Đan Lai ở Khe Nóng phải cắt rừng ra tận bản Khe Bu cách đó khoảng 10 km để học. Nếu học Tiểu học, THCS phải đi 30 km ra trung tâm xã. 

Vì quá cách trở nên từ khi điểm trường đóng cửa, trẻ em trong tuổi mầm non ở Khe Nóng đã không còn cháu nào được đến lớp.

Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai dưới tán rừng già (Bài 2) - Ảnh 4.

Điểm trường tại Khe Nóng khang trang nhưng đã bỏ hoang hơn một năm nay

Những ngày cuối tháng 6, khi PV có mặt tại Khe Nóng cũng là lúc các giáo viên vừa nói lời tạm biệt mảnh đất nghèo khó này sau khi đã hoàn thành khóa "bổ túc" chút kiến thức cho các cháu 5 tuổi trước khi vào lớp 1.

Năm nay các em bước vào lớp 1 sẽ phải sống xa nhà nên các bậc phụ huynh ở Khe Nóng đều rất lo lắng. "Con trai út của tôi La Hải Đăng chuẩn bị vào lớp 1. Cháu chưa từng rời bản, rời xa vòng tay mẹ. Giờ đi học tận trung tâm xã chắc chắn phải ở nội trú. Nhiều đêm nghĩ đến việc con phải xa gia đình đi tìm con chữ. tôi lại không cầm được nước mắt", chị Lê Thị Dung chia sẻ.

Chị Dung là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Khe Nóng. Năm 2019, chồng chị qua đời sau cơn đột quỵ bỏ lại vợ và bầy con thơ dại. Nhà chị Dung chỉ có một thửa ruộng nhỏ, mỗi mùa được vài bao thóc nên không đủ gạo ăn. Năm nào cũng đói đứt bữa 5-6 tháng.

Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai dưới tán rừng già (Bài 2) - Ảnh 5.

Những đứa trẻ này phải chơi thơ thẩn ở nhà vì Khe Nóng không còn trường Mầm non

Dù khó khăn nhưng chị Dung vẫn muốn con đi học lấy cái chữ. Con lớn thiệt thòi không được đến trường nhưng con trai thứ 2 La Văn Nguyện hiện đang học lớp 5 và sắp tới con út La Hải Đăng sẽ vào lớp 1.

"Ở đây đi học không mất học phí, tiền ăn cũng được Nhà nước đài thọ. Thế nhưng, cứ đầu tuần con tôi phải thức dậy từ 4h sáng để người hàng xóm chở bằng xe máy ra trung tâm xã đi học, đến cuối tuần mới về. Nhà tôi không có xe nên toàn phải nhờ người đưa đón", chị Dung cho biết.

Theo anh La Văn Thoại, cụm dân cư Khe Nóng hiện có 18 học sinh ở các cấp học. Để có được chừng đó học sinh đến trường là cả một sự cố gắng rất lớn từ nhà trường, chính quyền và cả gia đình các cháu. Thường sau dịp lễ, tết, nhiều em sẽ ở nhà luôn với bố mẹ như trường hợp 2 con gái của chị La Thị Hòe.

Cuộc sống “4 không” của người Đan Lai dưới tán rừng già (Bài 2) - Ảnh 6.

Con trai chị Hòe chuẩn bị vào lớp 1, cháu sẽ phải đi học ở ngôi trường cách nhà 30km.

Chị Hòe cho biết, 2 con gái của chị nghỉ học giữa chừng sau khi nghỉ Tết nguyên đán. Chị Hòe có 4 người con, con gái lớn 15 tuổi, con gái thứ 2 mới 13 tuổi nhưng cả hai chị em đều đã bỏ học sớm để ra tận Bắc Ninh đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.

Con trai thứ 3 - cháu La Văn Mạnh - chuẩn bị vào lớp 1. Cũng như nhiều gia đình khác, muốn đi tìm con chữ, Mạnh phải ra tận trung tâm xã Châu Khê để đi học cùng chúng bạn. Gia đình chị Hòe thì chồng đi làm thuê ở nơi xa, bản thân đang nuôi con nhỏ 8 tháng nên chị Hòe chưa biết tính sao với việc đưa đón con đi học.

Theo Chủ tịch UBND xã Châu Khê, cuộc sống của người dân Đan Lai ở Khe Nóng "đặc biệt khó khăn". Học sinh người Đan Lai ở địa phương hầu hết bỏ học giữa chừng, chỉ một số ít học đến lớp 9. "Từ trước đến nay mới có một cháu học lên đến cấp THPT. Vì cuộc sống nghèo khó nên các cháu đều bỏ học sớm để đi làm thuê phụ giúp gia đình", ông Kha Văn Thương chia sẻ.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm