Nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn

14:48 | 08/09/2022;
Tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 8/9, nhiều đại biểu nêu ý kiến khác nhau về việc có nên bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, trong Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 8/9, Thường trực Ủy ban Xã hội nêu một số ý kiến khác nhau về "hành vi bạo lực gia đình" (Điều 3), trong đó có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng; có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là "người tình" của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng. Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình "lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm" thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.

Trao đổi về nội dung này, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, về hành vi bạo lực gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu rõ, hành vi bạo lực quy định cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình, "không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn", trường hợp cần thiết áp dụng với người đã ly hôn để đảm bảo phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm thì nên rà soát, xem xét, lựa chọn để quy định một số hành vi bạo lực được quy định tại khoản 1 Điều 3 để áp dụng với người đã ly hôn, thay vì áp dụng tất cả các hành vi này.

Nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Trao đổi và làm rõ thêm nội dung này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho biết: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình. Liên quan đến đối tượng ly hôn bị bạo lực gia đình, câu chuyện xảy ra là áp dụng các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, quan hệ sau ly hôn rất phức tạp, là quan hệ đặc biệt. Nếu trường hợp đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa, hành hạ người đã ly hôn rồi thì có thể áp dụng biện pháp cách ly, lệnh cấm tiếp xúc. Đây là các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, chúng ta đều thấy bạo lực gia đình xảy ra sau ly hôn. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật không chỉ có biện pháp cấm tiếp xúc mà còn có biện pháp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn