Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Có những nội dung chưa phù hợp với trẻ em

PV
08/09/2022 - 12:00
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Có những nội dung chưa phù hợp với trẻ em

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 8/9, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu nêu thực tế số trẻ bị bạo lực gia đình ngày càng lớn, trong khi đó dự thảo luật có nhiều điều khoản không phủ hợp với trẻ em.

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng dự thảo Luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình. Các nội dung quy định trong dự thảo Luật hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cụ thể, Điều 9 dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình hầu như không phù hợp với trẻ em. Khi bị bạo lực gia đình, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này. Trẻ em cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại, thậm chí quyền khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị phương pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình quy định ở Điều 17, Điều 18 cũng không áp dụng với trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em.

Theo thống kê của Tổng đài 111, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực gia đình bởi người bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em tới 72,84%.

Điều 25 cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.

Theo đại biểu, quy định này cũng không phù hợp khi người bị bạo lực gia đình là trẻ em và người gây bạo lực gia đình chính là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của trẻ em.

Mục 5 Điều này cũng quy định khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, quy định này cũng không phù hợp, nếu đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể lựa chọn chỗ ở cho mình được.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chưa thực sự chú trọng đến trẻ em - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, phát biểu tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, và có chương riêng trong dự thảo Luật về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. Đây là vấn đề rất cần được chú ý, nhất là việc xác định trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần bổ sung các biện pháp đặc thù, có quy trình đặc thù riêng cho nhóm đối tượng này. Trong đó quy định về nguyên tắc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị  tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, trong đó có hành vi cưỡng ép, sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu bia và các chất kích thích khác. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến về việc bổ sung quy định các hình thức tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó bổ sung hình thức tư vấn tại nhà hoặc tại trường học, trong trường hợp người bị bạo hành gia đình là trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Đồng thời cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong vụ việc bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm