pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề nghị tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo luật sửa đổi
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh quochoi.vn
Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, sáng nay (16/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về đối tượng áp dụng (Điều 2), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bỏ Điều 2 của dự thảo Luật; đồng thời bổ sung quy định: giao Chính phủ quy định việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình như thể hiện tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật.
Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình; bên cạnh đó một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi "gián tiếp" gây ra bạo lực gia đình.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình có thể đan xen lẫn nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp các hành vi bạo lực gia đình. Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật.
"Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội", Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình.
Với nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không/chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Theo bà Nguyễn Thuý Anh, xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm, thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình. Qua đó xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và đồng thời những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để mối quan hệ trở nên tốt hơn. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho giữ quy định khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật.