pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân, đoàn ĐBQH TPHCM, bên lề hội trường. Ảnh PVH
Chiều nay (14/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân, đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng, Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình hiện hành, qua gần 15 năm thực hiện đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, gần đây nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân cho rằng, Luật hiện hành mới chỉ tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính hoặc hình sự, trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả thì biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bạo lực gia đình, về giới cho các đối tượng này là rất quan trọng thì chưa được ghi nhận và chú trọng thực hiện.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung đối tượng được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (Khoản 2, Điều 17 dự thảo Luật) thêm "Những người có hành vi bạo lực gia đình" để đảm bảo nguyên tắc "lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam" (Khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật).
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất bổ sung các biện pháp xử lý đối với người gây bạo lực nhưng chưa đến mức xử phạt hành chính như: phạt lao động công ích, giáo dục tại cộng đồng, ký cam kết không vi phạm….
Còn tại Khoản 6, Điều 59 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam "Thực hiện tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình", theo đại biểu, thực tế quá trình hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN các cấp vẫn theo dõi số liệu phụ nữ, trẻ em bị bạo lực để hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.
Để tránh bị trùng lắp, chồng chéo, kiến nghị cân nhắc quy định trách nhiệm của Hội trong công tác "phối hợp" thực hiện, cụ thể, "chủ trì phối hợp thực hiện tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình".
Tại phiên thảo luận này, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các quy định về hành vi bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm; về tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; về biện pháp tránh tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; biện pháp tránh tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng; về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quản lý nhà nước…