pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam thăm và tặng quà trung thu cho phụ nữ, trẻ em ở Ngôi nhà Bình yên
Tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã có những đóng góp về Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Cần tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho cả người gây bạo lực
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam với chức năng là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ đã tham gia tích cực vào công tác xây dựng, phản biện xã hội đối với dự thảo luật. Hội LHPN Việt Nam đã tham gia 22 điểm và có 7 điểm được tiếp thu đưa vào dự án luật lần này. Dự án luật lần này đã kế thừa những quy định được thực hiện hiệu quả trong 15 năm qua của luật hiện hành, đồng thời bổ sung nhiều quy định mới phù hợp, cụ thể, tương thích với các quy định pháp luật có liên quan.
Để tiếp tục hoàn thiện Luật, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số nội dung như: Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát và bổ sung một cách có hệ thống các hành vi bạo lực gia đình cũng như việc áp dụng đối với đối tượng có liên quan. Hai là, đảm bảo công tác tư vấn, hòa giải. Để tránh bạo lực xảy ra, cần làm tốt công tác phòng ngừa bạo lực gia đình. Cần nghiên cứu đưa người gây bạo lực cũng là đối tượng của tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong phòng chống bạo lực gia đình thay vì chỉ quy định xử lý vi phạm, cấm tiếp xúc… Có như vậy thì mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Cần đa dạng hóa các hình thức tư vấn để phù hợp với tình hình thực tế. Theo dự thảo, hiện chỉ có 02 hình thức tư vấn là tư vấn ở cộng đồng và tư vấn tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hình thức tư vấn gián tiếp như tư vấn qua điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội, làm các clip ngắn trên mạng xã hội… ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình để đa dạng hóa, gia tăng hiệu quả của công tác tư vấn.
Cần nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh
Tiếp đó, đảm bảo nạn nhân bị bạo lực được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt nhóm nạn nhân dễ bị tổn thương. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam xây dựng được 03 Nhà tạm lánh với tên gọi Ngôi nhà Bình Yên, trong đó 02 Nhà tạm lánh ở Hà Nội (Vùng Đồng bằng sông Hồng), 01 Nhà tạm lánh ở Cần Thơ (Vùng Đồng bằng sông Cửu Long), đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân trên nhiều phương diện: nơi ở, đời sống, tâm lý, pháp lý… Để phát huy hiệu quả mô hình, giúp hỗ trợ được nhiều nạn nhân hơn, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh ở các địa phương.
Cuối cùng, cần tăng cường vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phòng chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội.
Trong nhiều năm qua, Hội đã có các hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình ổn định thu nhập, ổn định đời sống. Ngoài hoạt động tín dụng, tiết kiệm, Hội tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ được đạo tạo nghề, vay vốn, khởi nghiệp, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm hỗ trợ phụ nữ có việc làm, có thu nhập, tự chủ trong cuộc sống. Vì vậy, để bao quát hơn vai trò của Hội LHPN Việt Nam, đề nghị đề nghị nghiên cứu, sửa đổi cụm từ "tín dụng, tiết kiệm" thành "sinh kế, hỗ trợ tạo việc làm, ổn định thu nhập, ổn định đời sống" (tại khoản 3 Điều 59)
Đối với trách nhiệm quy định tại Khoản 6, Điều 59 dự thảo quy định trách nhiệm của Hội "Thực hiện tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình"; Việc dự thảo tiếp tục quy định trách nhiệm của tổ chức Hội về nội dung này là trùng lắp, chồng chéo. Vì vậy, đề nghị xác định trách nhiệm của Hội là "phối hợp thực hiện tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình" sẽ phù hợp hơn.