Không có địa chỉ chịu trách nhiệm khi xảy ra vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng

PV
24/08/2022 - 22:13
Không có địa chỉ chịu trách nhiệm khi xảy ra vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng

TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội

Theo các chuyên gia, các vụ việc được xử lý chủ yếu bằng hòa giải và theo kiểu xí xóa, đóng cửa bảo nhau. Vì vậy gần 90% người bị bạo lực gia đình không muốn tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức.

Nêu thực tế thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho biết: Mỗi vụ bạo lực gia đình xảy ra, dù được báo tin đầy đủ, nhưng không có địa chỉ chịu trách nhiệm chính trong việc để vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng. Các vụ việc được xử lý chủ yếu bằng hòa giải và theo kiểu xí xóa, đóng cửa bảo nhau. Vì vậy gần 90% người bị bạo lực gia đình không muốn tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cứ âm thầm chịu đựng.

Theo TS Nguyễn Văn Tiên, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã khắc phục hạn chế nêu trên, và thiết kế theo hướng: Tất cả tin báo vụ bạo lực gia đình đều phải đến điểm cuối cùng là Chủ tịch UBND cấp xã và là người chịu trách nhiệm, phân công việc xác minh, phân công người xử lý.

Có ý kiến nên giao cho Công an xã, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Tiên, bạo lực gia đình có nhiều dạng (bạo lực thể xác, kinh tế, tinh thần, tình dục…) vì vậy không phải tất cả vụ việc bạo lực gia đình ở cộng đồng cần công an xử lý, trong khi Việt Nam có cả hệ thống tổ chức chính trị xã hội rộng khắp ở cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp xã là người chịu trách nhiệm toàn diện ở địa bàn xã, vì vậy, Dự thảo Luật giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã là hợp lý, trong đó có quy định cụ thể khi vụ việc bạo lực gia đình được báo tin đến Công an cấp xã.

Dự thảo Luật quy định, khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình. Người được yêu cầu phải đến trụ sở công an cấp xã, trường hợp không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu về trụ sở...

Không có địa chỉ chịu trách nhiệm khi xảy ra vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng - Ảnh 1.

Gần 90% người bị bạo lực gia đình không muốn tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, đây là điểm mới, việc yêu cầu này nhằm cách ly người gây bạo lực khỏi hiện trường, tránh bạo lực gia đình tiếp diễn, để bảo vệ nạn nhân; đặc biệt là răn đe người gây bạo lực gia đình. Mặc dù vậy, vẫn còn những e ngại vì chưa có quy định tiền lệ tương tự; mặt khác theo pháp luật về điều tra hình sự chỉ có cơ quan cảnh sát điều tra/công an cấp huyện mới được phát hành giấy triệu tập cá nhân đến cơ quan công an giải quyết vụ việc; và nếu người gây bạo lực gia đình không đi, chống đối thì xử lý thế nào?

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quy định trong dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Tiên nhận định: Mạng lưới của Hội LHPN Việt Nam rất tích cực trong phòng chống bạo lực gia đình. Hội phụ nữ là cơ quan tham gia phòng chống bạo lực gia đình nhiều năm qua, kể cả từ khi chưa có pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời cũng là địa chỉ phù hợp thực hiện các biện pháp để phòng chống, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình vốn dĩ đa số là phụ nữ.  

Theo đó, đại biểu này đề xuất: "Nên chăng dự thảo Luật nên có quy định về vai trò của Hội phụ nữ trong phản biện báo cáo của Chính phủ về đánh giá định kỳ thực hiện pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, vì hơn ai hết Hội phụ nữ là nơi nắm vững việc này nhất".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm