pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp cơ sở trong hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM thảo luận tại hội nghị
Tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sáng nay (24/8), Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho biết: Điều 9 Dự thảo Luật quy định cụ thể một số quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình. Để đảm bảo thực hiện được các quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em mà dự thảo Luật đã quy định, cần quan tâm các nội dung cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp cơ sở như UBND, công an phường xã, người đứng đầu khu dân cư, trưởng khu phố, trưởng ấp… để hiểu rõ vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình khi có yêu cầu. Ví dụ khi nạn nhân có yêu cầu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình; Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc, thì phải được giải quyết ngay một cách kịp thời, nhanh chóng. Việc này có thể thực hiện bằng cách lồng ghép với các buổi học nghị quyết, sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, sinh hoạt cộng đồng.
Thứ hai, tăng cường nguồn lực kinh phí để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện tốt các quyền cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Ví dụ khi nạn nhân có yêu cầu được bố trí nơi tạm lánh, yêu cầu được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội thì có ngay chi phí để thực hiện.
Thứ ba, tăng cường truyền thông, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống, bảo vệ nạn nhân trong bạo lực gia đình. Thực hiện truyền thông nội dung này đối với cả người có hành vị bạo lực, nạn nhân bị bạo lực và người có trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực gia đình, để cùng nhận thức được rằng bảo vệ nhân bị bạo lực gia đình và việc cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình không phải là chuyện riêng của các gia đình, cá nhân mà đó là vấn đề cả xã hội, cộng đồng cùng biết và cùng chung tay giải quyết.
Thứ tư, cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở, trang thiết bị, phương tiện để nạn nhân bị bạo lực gia đình được trợ giúp kịp thời, thuận tiện, an toàn. Ví dụ nạn nhân yêu cầu được bố trí nơi tạm lánh thì phải có sẵn địa điểm để giữ an toàn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tránh trường hợp nạn nhân bị bạo lực, không có nơi tạm lánh, nạn nhân phải tiếp tục sinh sống, ở chung với người có hành vi bạo lực, sẽ dễ bị bạo hành trong thời gian dài, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân.
Ngày 24/8, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hơn 60 đại biểu đến từ các bộ, ngành TW, các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức xã hội tham dự hội thảo đóng góp ý kiến phản biện nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất sửa đổi các quy định nhằm bảo đảm thực hiện quyền, trách nhiệm của người bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em; các biện pháp phòng ngừa; ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; về xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình; đặc biệt là thảo luận về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong đó có trách nhiệm của MTTQ và tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình…