Nâng cao tính khả thi các quy định phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình

PV
24/08/2022 - 10:12
Nâng cao tính khả thi các quy định phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội nghị. Ảnh HH.

Ngày 24/8, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã có tác động tích cực trong đời sống. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lần này cũng đề ra những quy định mang tính đột phá trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có ưu tiên đến nhóm người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi...

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ: Đến nay, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã gửi 3 văn bản góp ý các lần Dự thảo Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi) tới cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đoàn đại biểu Quốc hội, tham gia ý kiến tại nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan; trong đó nhiều ý kiến đã được nghiên cứu tiếp thu qua các lần sửa đổi, chỉnh lý dự thảo Luật như bổ sung một số hành vi bạo lực gia đình, một số nguyên tắc trong phòng, chống bạo lực gia đình, quyền của người bị bạo lực gia đình, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình...

Nâng cao tính khả thi các quy định phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị phản biện lần này nhằm tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ; tiếp tục đánh giá tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của các quy định liên quan đến bình đẳng giới, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trong phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Đánh giá cao những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện khuôn khổ chính sách về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện tổ chức UNWomen tại Việt Nam, cho biết: Các kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng bạo lực vẫn còn trầm trọng và không có nhiều chuyển biến tích cực. "Một trong những nguyên nhân chủ chốt là vẫn còn độ vênh trong các văn bản pháp luật hiện tại so với các chuẩn mực quốc tế, nhất là Công ước CEDAW về chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, dẫn đến hạn chế nguồn lực cho công tác Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, nhất là trong bối cảnh gia đình".

Nâng cao tính khả thi các quy định phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình - Ảnh 3.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, hơn 60 đại biểu đến từ các bộ, ngành TW, các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức xã hội tham dự hội thảo đóng góp ý kiến phản biện nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất sửa đổi các quy định nhằm bảo đảm thực hiện quyền, trách nhiệm của người bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em; kiến nghị các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình để các hành vi bạo lực không nảy sinh hoặc tái diễn; đề xuất các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được quy định trong dự thảo luật; về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; đặc biệt là thảo luận về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong đó có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình…

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ thực hiện năm 2019 và công bố năm 2020 cho thấy tình hình bạo lực gia đình Việt Nam không thay nhiều so với cuộc điều tra trước đó 10 năm.

Năm 2019, vẫn còn tới 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng trước lúc điều tra và cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm