Phòng, chống bạo lực gia đình: Khoảng cách giữa quy định & thực thi

PV
28/06/2022 - 14:03
Phòng, chống bạo lực gia đình: Khoảng cách giữa  quy định & thực thi

Lạm dụng rượu, bia và xử lý hành vi vi phạm không nghiêm minh là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng

Bạo lực gia đình có nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới trong gia đình. Các yếu tố lạm dụng rượu, bia và xử lý hành vi vi phạm không nghiêm minh là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng hơn...
 Người bị bạo lực gia đình chưa được phát hiện, hỗ trợ kịp thời

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, một trong những khó khăn khi áp dụng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi bạo lực gia đình. Bản thân mỗi thành viên trong gia đình và người xung quanh cũng không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực gia đình và va chạm hằng ngày. Cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa vi phạm hình sự và vi phạm hành chính. 

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình nhưng xã hội đang mong muốn làm sao để "xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân; cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước khi hôn nhân đổ vỡ".

Còn bà Chamaléa Thị Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết: Mặc dù đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực tế khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra thì việc nhận diện và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình còn chưa kịp thời, chưa thật sự hiệu quả. Người bị bạo lực gia đình còn lúng túng, chưa biết rõ mình cần cầu cứu đến ai? Cơ quan có trách nhiệm nào? Cơ quan được người bị bạo lực gia đình báo tin thực tế cũng lúng túng, đâu đó vẫn còn xem nhẹ, coi đó là việc riêng của gia đình nên cứ việc đóng cửa bảo nhau. Qua đó làm mất lòng tin của người bị bạo lực gia đình, dẫn đến việc họ tiếp tục chịu đựng bạo lực gia đình hoặc phản vệ theo cách tiêu cực để chống trả người thực hiện hành vi bạo lực gia đình và nhiều trường hợp đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề, gây bất bình, phẫn nộ cho xã hội.

Công tác hòa giải chưa phát huy được hiệu quả

Trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cơ quan soạn thảo dự án Luật đã nêu những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật này. Cụ thể, các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, Luật hiện hành xác định rõ nguyên tắc lấy phòng để chống nhưng biện pháp phòng ngừa trong Luật hiện hành chưa chủ động, không bảo đảm tính liên tục. Việc phòng, chống bạo lực gia đình cần thực hiện trước khi xảy ra, khi đang xảy ra và khi kết thúc. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả không chỉ dừng hành vi bạo lực tức thời mà còn ngăn việc hành vi bạo lực gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Bạo lực gia đình có nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới trong gia đình. Các yếu tố lạm dụng rượu, bia và xử lý hành vi vi phạm không nghiêm minh là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng hơn và nhiều vụ việc không được xử lý thích đáng hoặc bị lãng quên, bỏ mặc đằng sau cánh cửa gia đình.

Trong 15 năm thực hiện Luật cho thấy, công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa phát huy được hiệu quả. Khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải, khi nào cần các biện pháp khác chưa được quy định rõ trong Luật. Trong thực tiễn, việc hòa giải đôi khi còn dẫn đến tình trạng "bạo lực kép" do người thực hiện hòa giải thiếu những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, về giới và về quyền con người. Việc hòa giải được coi như biện pháp xử lý vụ việc bạo lực gia đình đã dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình kéo dài năm này qua năm khác. Luật cũng thiếu các quy định về tiêu chí (trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức) của hòa giải viên, tổ hòa giải...

Đặc biệt, các bất cập trong quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, khi thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình trong Luật hiện hành còn khá phức tạp; thiếu các quy định cụ thể về việc cứu người trong trường hợp cấp thiết, đặc biệt với các nạn nhân là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ cũng như các nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế khác.

Cùng với đó, biện pháp phạt tiền trong xử phạt hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa phát huy hiệu quả. Nhiều trường hợp, người bị bạo lực gia đình là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến người bị bạo lực gia đình không muốn tố cáo hành vi bạo lực gia đình trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục đối với người gây bạo lực.

"Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang có nhiều ý kiến về 5 nhóm vấn đề lớn. Trong đó, nhiều ý kiến mong muốn có chính sách cụ thể hơn nữa nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số (tại các Điều 4, Điều 5, Điều 14, Điều 33, Điều 34, Điều 36).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội Ảnh: quochoi.vn

Về hành vi bạo lực gia đình, dự thảo Luật phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực: Hành vi bạo lực về thể chất; hành vi bạo lực về tinh thần; hành vi bạo lực về kinh tế; hành vi bạo lực tình dục. Trong đó nhận diện thêm là 18 hành vi bạo lực (luật hiện hành chỉ nhận diện 9 nhóm hành vi bạo lực). Đặc biệt, với bạo lực tinh thần là một vấn đề khó để nhận diện và kiểm định cho đầy đủ.

Nhóm vấn đề hòa giải, dự thảo Luật đề cập hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình có tính đặc thù, thể hiện ở 3 loại hình: Hòa giải do gia đình, do dòng họ tổ chức thực hiện; hòa giải do cơ quan tổ chức thực hiện; hòa giải thực hiện theo Luật Hòa giải cơ sở. Nếu vụ việc bị xử lý hình sự, xử lý hành chính sẽ không áp dụng hòa giải.

Về các biện pháp phòng, chống bạo lực, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi, đồng thời thực thi các công cụ pháp luật… Đẩy mạnh công tác tư vấn phòng, chống bạo lực cũng cần làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo Luật để tư vấn có tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, phát huy được yếu tố xã hội và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các hiệp hội, các câu lạc bộ cùng tham gia. Đồng thời huy động nguồn lực trong phòng, chống bạo lực gia đình như xây dựng nhà tạm lánh, các cơ sở vật chất hỗ trợ người bị bạo lực, có thể cụ thể hóa vào một số điều khoản trong dự thảo Luật…".

Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm