Chính trị - Xã hội

Gây bạo lực, im lặng trước bạo lực vì thiếu hụt kỹ năng

PV 27/08/2022 - 08:08 AM
Đó là ý kiến của bà Lê Khánh Vân - Chuyên gia của Tổ chức Save Children Việt Nam trong buổi hội thảo chuyên đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em" do TW Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Lê Khánh Vân đã chia sẻ câu chuyện điển hình của những người bị bạo lực và gây bạo lực mà bà đã làm việc.

Trước tiên là một phụ nữ khi chia sẻ với bà Vân về những chuyện buồn của mình. Bà Vân đã khẳng định những câu chuyện buồn đó là bạo lực gia đình và khuyên họ đi gặp chuyên gia. Sau rất nhiều đắn đo, người phụ nữ ấy đã gọi điện tư vấn và được hỗ trợ. Đó là câu chuyện của một người mẹ hiểu biết nhưng không nhận thức vấn đề của mình là bạo lực gia đình mà chỉ nghĩ là mâu thuẫn vợ chồng và luôn nhận "lỗi tại em", chồng đi uống rượu về đánh cũng nói "lỗi tại em".

Trường hợp thứ hai, hai vợ chồng sống ở Hà Nội. Khi tham gia lớp hướng dẫn kỹ năng cha mẹ, có tâm sự riêng với cô giáo, trong cuộc sống gia đình cô ấy không biết cách ứng xử và luôn tự đổ lỗi cho mình. Cô ấy cứ lần lữa không dám nói, biết địa chỉ tư vấn rồi mà không dám đến chia sẻ.

Trường hợp thứ ba, người chồng học luật, mỗi khi nói chuyện với vợ đều lớn tiếng, quát mắng. Người vợ bị bạo hành kiểu đó quá lâu, quá căng thẳng và người con lớn bị trầm cảm. Như vậy, người chồng có hiểu biết, là luật sư, vợ lại là giáo viên nhưng người vợ cũng không dám lên tiếng. Người chồng đó tâm sự rất thương vợ, cái gì cũng dành cho vợ nhưng không kiểm soát, quản lý được cảm xúc của mình.

Theo bà Vân, vấn đề ở đây là, phần lớn thanh thiếu niên Việt Nam, khi còn bé không được học về giáo dục cảm xúc và việc quản lý cảm xúc của mình, cho nên họ bị thiếu hụt kỹ năng xã hội trong giao tiếp. Đến trước khi lập gia đình cũng không được học về tiền hôn nhân cho nên trong quá trình vợ chồng giao tiếp với nhau không có kỹ năng để nâng đỡ cảm xúc của nhau. Yêu nhau nhưng cứ nói là quát, nói là mắng và lớn tiếng, mà người phụ nữ đôi khi chỉ nghe nói to đã sợ.

Bà Vân mong đợi, làm sao lồng ghép được giáo dục cảm xúc xã hội cho học sinh từ bé, giúp các em nhận thức được là khi vui thế nào, khi buồn thế nào… Học quản lý cảm xúc được rất tuyệt vời, giúp con người ta bình ổn tâm lý, giảm thiểu được những vấn đề sức khoẻ tâm thần. Đối với những thanh niên chuẩn bị lập gia đình, nếu có thể, Hội Phụ nữ sẽ vận động vấn đề Giáo dục Tiền hôn nhân trở thành một yêu cầu bắt buộc trước khi ký vào Giấy Kết hôn, đồng thời truyền thông trong xã hội để mọi người thấy về lợi ích, sự cần thiết khi tham gia các lớp học ấy.

Từ khóa: Lên tiếng
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn