Dự kiến vào 21h ngày 29/5, BS. Đặng Minh Hiệu sẽ cùng với ThS BS. Huỳnh Phương Nguyệt Anh, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và ThS.DS Trương Văn Đạt - Bí thư Đoàn trường Đại học Y Dược TPHCM sẽ lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.
Là một trong hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, bác sĩ Hiệu cùng đồng nghiệp luôn trong tâm thế chủ động trước khi có lệnh điều động.
"Ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần này, niềm khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn. Chỉ mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho dân mình", bác sĩ Đặng Minh Hiệu chia sẻ trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Xúc động khi nhìn thấy nụ cười của người thầy thuốc trẻ trước khi lên đường làm nhiệm vụ, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chia sẻ: "Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói. Có lẽ nói nhiều nữa cũng bằng thừa. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất".
Sẵn sàng đến Bắc Giang tham gia công tác phòng chống dịch
Trước đó, vào ngày 26/3, Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 13 thành viên cũng đã có mặt tại Bắc Giang. Ngay trong này 26/5, các thành viên Đội phản ứng nhanh bệnh viện đã đến Bệnh viện Phổi Bắc Giang, nơi được xây dựng 58 giường hồi sức cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nguy kịch và 70 giường cho các bệnh nhân nhẹ.
Ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giao nhiệm vụ cho Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, sắp xếp lại các quy trình, chịu trách nhiệm điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang theo phương châm 4 tại chỗ.
Tính đến ngày 29/5, Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã tiếp nhận 70 bệnh nhân nhẹ, 40 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó 2 bệnh nhân phải thở máy, lọc máu liên tục và tiên lượng nguy cơ còn thể phải can thiệp ECMO, 6 bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), 30 bệnh nhân phải thở oxy. Tiên lượng trong những ngày tiếp theo con số bệnh nhân nặng, phải thở máy sẽ tiếp tục gia tăng.
Bộ Y tế cũng đang chủ động cung ứng tiếp nhiều máy thở chức năng cao, HFNC, máy lọc máu và máy ECMO từ kho dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu cấp bách là điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Các thành viên Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã túc trực ngày đêm để luôn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đồng thời tập huấn cho các đồng nghiệp, thực hiện phương châm 4 tại chỗ.
Liên quan đến công tác hỗ trợ nhân lực của Bộ Y tế và ngành y tế các địa phương cho điểm nóng Bắc Giang chống dịch Covid-19, chiều 29/5, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang cho biết, đến nay đã có 1.400 cán bộ y tế các lực lượng gồm nhân viên y tế, y tế quân đội, y tế công an, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y dược tham gia vào tất cả các mặt trận phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. "Trong tình huống dịch lan rộng thêm, Bộ Y tế đã và đang chủ động về nguồn nhân lực để sẵn sàng điều động đến Bắc Giang khi cần"- PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thông tin từ 63 tỉnh, thành phố về Bộ Y tế cho biết tất cả nhân viên y tế trên địa bàn sẵn sàng đến Bắc Giang tham gia công tác phòng chống dịch.
Báo cáo của Cục Khoa học Công nghệ vào Đào tạo, Bộ Y tế cũng cho biết, sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hiện tổng số cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của 37 trường Đại học, Cao đẳng trên y dược trên toàn quốc đăng ký sẵn sàng tiếp tục lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh là 24.175 người.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn