Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11 chiều ngày 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Quốc hội đã tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước. Theo đó, có 91,25% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Nghị quyết có hiệu lực kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới. Như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm vụ của Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước mới.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Đồng thời, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ cương vị Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). Đây là lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước.
Theo Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước gửi đến kỳ họp Quốc hội lần này, trên cương vị của mình, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công; đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Như phunuvietnam.vn đã đưa, sáng 2/4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ Thủ tướng cho đến khi chuyển giao cho Thủ tướng kế nhiệm.
Dự kiến, Quốc hội sẽ bầu tân Thủ tướng Chính phủ vào ngày 5/4.
Theo lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được miễn nhiệm để giới thiệu bầu giữ cương vị Chủ tịch nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn