Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và trình miễn nhiệm Chủ tịch nước

PV
02/04/2021 - 09:14
Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và trình miễn nhiệm Chủ tịch nước

Quốc hội miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Xuân Phúc để giới thiệu bầu Chủ tịch nước

Sáng nay (2/4), với 92,92% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Cũng phiên làm việc này, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, sáng 2/4, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Xuân Phúc. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, có 446/452 đại biểu có mặt (chiếm 92,92%) biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự kiến, nhân sự được giới thiệu bầu tân Chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.

Theo chương trình kỳ họp, việc bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng mới sẽ được thực hiện trong ngày 5/4.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay (2/4), Quốc hội bắt đầu quy trình miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Trong nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước vừa qua, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động đối nội đạt nhiều kết quả nổi bật, như: Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 02 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua…

Liên quan đến lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương; định hướng, trao đổi, tham gia ý kiến với Chính phủ và các địa phương.

Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền…

Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và trình miễn nhiệm Chủ tịch nước - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu bên lề Kỳ họp Quốc hội

Liên quan lĩnh vực tư pháp, Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ, tham gia ý kiến về các văn bản, đề án có liên quan đến công tác cải cách tư pháp.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương; làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc…

Đồng thời, trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm