Có hương thơm tự nhiên, dịu nhẹ của các loại hoa, không gây mất ngủ và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, các sản phẩm trà hoa được làm từ hoa khô và thảo mộc đang là xu hướng lựa chọn của các gia đình, đặc biệt là phái đẹp. Trà hoa cũng là món đồ nhiều người tiêu dùng mua sắm để mời đãi khách trong dịp Tết.
Thế giới của các loại trà hoa rất phong phú, từ những loại trà hoa quen thuộc như cúc chi, hoa hồng, hoa nhài, hoa hòe, hoa sói, hoa kim ngân, hoa đậu biếc… đến những loại hoa dược liệu quý như trà hoa vàng, nhụy hoa nghệ tây, hoa sâm…
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại trà khác đang được bán trên thị trường, câu hỏi về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng của các loại trà hoa là băn khoăn của không ít người tiêu dùng, bởi sự đa dạng về giá cả cũng như nhà cung cấp sản phẩm này.
Được gọi tên là trà hoa, nhưng thực chất những sản phẩm này không phải là trà mạn, hay có thành phần từ lá chè sao khô như những loại trà chúng ta thường biết, mà thành phần chính là hoa tươi được phơi sấy khô. Khi sử dụng, những bông hoa khô được hãm cùng nước sôi giống như hãm trà. Mỗi loại hoa được sử dụng làm trà cho một mùi hương và hậu vị khác nhau, có loại cho vị ngọt, có loại cho vị hơi đắng nhẹ, có loại the mát…
"Về nguồn gốc của các loại trà hoa, trên thị trường có những loại phổ biến như: trà hoa nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Bulgaria, Anh…; cũng có những loại được bán dưới dạng hàng xách tay. Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay là các loại trà hoa do các cá nhân, hộ gia đình, các cơ sở trong nước sản xuất.
Tùy theo từng loại hoa, trà hoa khô có giá từ 35.000 đồng đến 100.000 đồng/lạng. Do đặc điểm hoa được sấy khô, nên rất nhẹ, 1 lạng có thể sử dụng được từ 10-20 lần uống, tùy theo khẩu vị", chị Nguyễn Thúy Vân, chủ shop Trà hoa thảo mộc giới thiệu.
Trà hoa có màu sắc đẹp mắt, thoang thoảng hương thơm của các loại hoa tươi.
"Không phải cứ hoa phơi, sấy khô là có thể dùng làm trà được. Cũng không phải loại hoa nào cũng có thể sử dụng để làm trà hoa. Nếu lạm dụng, có thể gây nên những tác động không tốt cho sức khỏe. Để làm trà hoa, cần phải trải qua nhiều quy trình khác nhau, từ khâu sản xuất đến chế biến", anh Lê Văn Điều, chuyên gia pha chế, nhà sáng lập thương hiệu Linh Hoa Trà (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.
Quy trình làm trà hoa thường gồm các bước cơ bản như ươm trồng cây giống, đợi ra nụ, ra hoa, thu hoạch. Tùy theo mục đích và đặc tính của từng loại hoa, các nhà sản xuất sẽ thu hoạch nụ hay hoa chớm nở, hoa nở rộ để làm nguyên liệu làm trà hoa. Hoa tươi sau khi thu hoạch sẽ được phơi hoặc sấy để hoa khô lại và sử dụng. Hiện nay, phương pháp sấy lạnh được nhiều nhà sản xuất lựa chọn vì hiệu suất cao và có thể giữ được màu sắc, hình dáng và hương vị của các loại hoa.
"Cũng như nhiều loại nông sản khác, trồng hoa mang tính mùa vụ và có không ít rủi ro như hoa bị nhiễm bệnh, hoa không đạt chất lượng… Điều này khiến cho nhiều buộc phải nhà vườn sử dụng hóa chất trong quá trình trồng cấy để đạt năng suất và sản lượng. Bên cạnh đó, trong quá trình sấy, nhiều nhà sản xuất còn sử thêm diêm sinh để ủ hoa, giúp hoa không bị rụng cánh, có màu sắc đẹp", chị Thúy Vân chia sẻ.
Những sản phẩm trà hoa nhiễm hóa chất có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều sản phẩm trà hoa còn được sản xuất với quy mô hộ gia đình, nên khó kiểm soát được quy trình sản xuất, tẩm ướp, chế biến hoa cũng như nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
"Người tiêu dùng như chúng tôi khi mua trà hoa, chủ yếu là dựa vào niềm tin với nhà sản xuất, với sản phẩm, còn nếu yêu cầu cung cấp các thông tin kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì không phải đơn vị, doanh nghiệp nào cũng có", chị Hoàng Anh (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Dấu hiệu phân biệt trà hoa "ngậm" hóa chất
Trà hoa là sản phẩm được pha/hãm cùng nước sôi, uống trực tiếp, nên nếu mua, sử dụng sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Để nhận biết trà hoa có bị nhiễm hóa chất hay không, chuyên gia pha chế Lê Văn Điều cho biết, bạn nên quan tâm đến các dấu hiệu sau: Sản phẩm có mùi hắc, mùi chì và kim loại. Những loại hoa có dùng hóa chất trong quá trình sản xuất, phơi sấy, bảo quản thương không giữ được hương thơm tươi mới của hoa tươi.
Khi mua các loại trà hoa cần lưu ý:
- Nên chọn mua sản phẩm ở những nơi sản xuất uy tín, có thông tin rõ ràng về vùng trồng để đảm bảo nguyên liệu sạch và công khai, minh bạch quá trình phơi sấy, đóng gói sản phẩm.
- Chọn các sản phẩm đã được kiểm định, được chứng nhận chất lượng, sản phẩm OCOP.
- Sản phẩm đảm bảo chất lượng cần được đóng gói cẩn thận, không bị ẩm mốc, có các mùi lạ (không phải mùi thơm tự nhiên của các loại hoa).
Chuyên gia pha chế Lê Văn Điều hướng dẫn:
- Cho 10-15g hoa khô vào tách hoặc ly, tráng qua với nước sôi để làm sạch bụi bẩn và đánh thức hương thơm của hoa. Đổ bỏ phần nước tráng hoa.
- Rót tiếp 300ml nước sôi vào ly, đậy nắp khoảng 5 phút cho trà ngấm là có thể sử dụng được.
- Có thể sử dụng thêm một số nguyên liệu như: táo đỏ, long nhãn, kỳ tử, quế thanh, gừng hay mật ong, đường phèn…, tùy theo sở thích, để thưởng thức cùng trà.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn