Trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 11, sáng nay (25/3), Quốc hội nghe báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước... Trong đó, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 từ khi thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia đến tháng 3/2021.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
Đặc biệt, trong quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (HĐND); chú ý đến việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đến nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND của từng địa phương.
Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.136 hồ sơ người ứng cử ĐBQH khóa XV; 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Tính đến ngày 19/3/2021, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và người ứng cử đại biểu HĐND ở các cấp.
Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 (trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu; 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.
Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: Trong thời gian tới, Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với các cơ quan tập trung chỉ đạo triển khai nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật. Đồng thời phân bổ ứng cử viên ĐBQH ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương theo đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ.
Cùng với đó, tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn để ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước và danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử đúng thời hạn quy định.
Đặc biệt, tổ chức để người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở trung ương và địa phương...
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành Kế hoạch về giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử. Từ ngày 16/3 đến 20/3/2021, đã tổ chức 5 đoàn đến làm việc tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giám sát, kiểm tra về: việc thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử; kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; tình hình triển khai giới thiệu người ra ứng cử; việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác để giới thiệu người ra ứng cử; việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ ứng cử…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn