Những ngày qua, giới chơi lan đột biến xôn xao trước trước thông tin chủ vườn lan đột biến Hà Thanh (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ôm khoảng 700 tỷ tiền "bán lúa non" của giới đầu tư bỏ trốn. Cũng bởi, số tiền trên là quá lớn và những loại lan đột biến được đặt hàng thuộc loại "hot" trên thị trường như Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước, Bảo Duy… Nhiều người cho rằng, bong bóng lan đột biến đã vỡ, tuy nhiên cũng có ý khiến khẳng định đó chỉ là một trường hợp chủ vườn kinh doanh ôm tiền bỏ trốn chứ "chưa vỡ". Thực tế hoạt động giao dịch lan đột biến vẫn diễn ra bình thường dù có kém sôi động hơn trước một chút.
+ "Kie" là tên gọi của thân mầm non thường mọc ra ở thân lan khi đã xuống lá.
+ "Lúa non" là thuật ngữ của giới chơi lan. Theo đó khi một hoặc nhiều loại lan đột biến giá đang lên rất cao và khan hàng, nhà vườn chưa nhân giống kịp, sẽ đưa ra hình thức bán "kie lúa non", tức là nhận tiền trước và hẹn thời gian trả hàng. Hàng được trả là kei phải đảm bảo ít nhất 2 yếu tố: trên 5cm và đã có rễ.
Theo anh Nguyễn Văn Toàn, một chủ vườn lan đột biến cho biết, sự việc chủ vườn lan đột biến ở Hà Nội ôm tiền bỏ trốn cũng ảnh hưởng một chút đến tâm lý giới đầu tư. Tuy nhiên, giá lan đột biến cũng không giảm là bao. Ví như, trước đây phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ dao động từ 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/cm thì giờ giảm còn khoảng 900.000 đồng-1 triệu đồng/cm ("lúa non" giá khoảng 3,5 triệu đồng/kie); Phi điệp 5 cánh trắng Hiển Oanh giảm từ 7 triệu đồng/cm xuống còn 6,5 triệu đồng/cm (lúa non khoảng 15 triệu đồng); Phi điệp 5 cánh trắng Bạch Tuyết giảm từ 230 triệu đồng/cm xuống còn 220 triệu đồng/cm; Phi điệp 5 cánh trắng Bảo Duy khoảng 1,3 tỷ đồng/cm (không giảm); phi điệp 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước khoảng 1,7 tỷ đồng/cm (giảm rất ít).
Đối với các loại lan phi điệp mặt hoa hồng cũng tương tự. Theo đó, phi điệp Hồng Yên Thủy giá còn khoảng 10 triệu đồng/cm (giảm khoảng 2 triệuđồng/cm); Hồng Minh Châu khoảng 100 triệu đồng/cm (giảm 10%).
"Vụ việc chủ vườn lan đột biến ôm tiền bỏ trốn ban đầu cũng là sự việc sốc với giới chơi và đầu tư lan đột biến. Nhưng với những người chơi lan thực sự, thì đó cũng là một đợt thanh lọc, là bài học cho những người muốn đầu tư lan. Họ cần phải tìm hiểu, chọn nơi uy tín trước khi xuống tiền đầu tư", anh Toàn chia sẻ.
Còn theo anh Tài, một người chơi lan đột biến ở Thanh Hóa, trong mấy ngày qua cũng có dao động về giá theo chiều hướng xuống nhưng không đáng kể. Anh đã đi thực tế đến một số nhà vườn lớn để hỏi mua phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ và Hiển Oanh nhưng họ không bán. Trái lại, họ còn đang ủ rất nhiều, thậm chí nếu nơi nào bán rẻ thì lại mua thêm. "Tôi cũng mong giá lan đột biến xuống sâu để mua thêm một ít vừa để chơi, vừa là đầu tư. Tuy nhiên, với chiều hướng hiện nay thì chưa thấy tín hiệu ấy", anh Tài chia sẻ.
Theo anh Tài, hầu hết người mua lan đột biến đều dựa vào uy tín của chủ vườn. Hễ thấy người mua nhiều ở một vườn nào đó là những người khác "xông vào" mua, bất chấp giá và mặt hoa như thế nào. Trong khi đó, một nguyên tắc bất di bất dịch khi chơi và kinh doanh lan là phải chứng minh được cây đã hoa và xuống kie tại cây đó thì mới tin tưởng. Còn nếu không, thì mua lan đột biến cũng như đánh cược vậy. "Lời bảo hành của chủ vườn chỉ là niềm tin và uy tín của vườn lan. Khi họ bỏ chạy thì chẳng biết bắt đền ai", anh Tài nói.
Trước đó, như PNVN đã thông tin, ngày 12/4, giới chơi lan đột biến liên tục chia sẻ thông tin chủ vườn lan đột biến Hà Thanh (xóm chợ Định Xuyên xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã ôm tiền "bán lúa non" của khách bỏ trốn.
Giới chơi lan đột biến cho biết, sở dĩ số tiền "bán lúa non" của cơ sở trên có thể lên đến 700 tỷ đồng là bởi khách hàng đặt nhiều kie lúa non Ngọc Sơn Cước, Bạch Tuyết, Bảo Duy,... Đây là những loại lan theo định giá của giới chơi lan đột biến có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn