Nhật Bản tính đổ hơn triệu tấn nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương, Trung Quốc phản ứng gay gắt

Nhu Thụy
16/04/2021 - 07:22
Nhật Bản tính đổ hơn triệu tấn nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương, Trung Quốc phản ứng gay gắt

Một người biểu tình giơ một khẩu hiệu có nội dung "không xả nước phóng xạ" tại một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Trung Quốc là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ việc Nhật Bản quyết định từ tháng 5 sẽ bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra biển Tái Bình Dương.

1,25 triệu tấn nước thải hạt nhân sẽ được đổ ra Thái Bình Dương

Cách đây 1 thập kỷ, tháng 3/2011, thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản đã gây ra các vụ nổ và làm hư hỏng hệ thống làm mát ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã phải bơm nước vào các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima để làm mát các thanh nhiên liệu. Lượng nước này sau đó được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến và đang được chứa trong các bồn chứa thuộc khuôn viên nhà máy trên.

Hiện nay, mỗi ngày lại có 140 tấn nước nhiễm phóng xạ bị thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Số nước ô nhiễm này cho đến nay vẫn được tích trữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc công ty TEPCO, đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ sử dụng hết các bể chứa cũng như diện tích đất có thể dùng để xây các bể mới.

Nhật Bản - xả nước thải hạt nhân

Các bể chứa nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản


Chính phủ Nhật Bản cho biết, theo kế hoạch, nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 sẽ được pha loãng để giảm nồng độ phóng xạ xuống còn 1.500 becquerel/lít, tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với nước uống, trước khi được xả ra biển. Việc xả nước thải ra biển sẽ được thực hiện trong khoảng 2 năm và toàn bộ quá trình dự kiến sẽ mất hàng thập kỷ.

Mỹ đã thể hiện sự thông cảm với quyết định của chính phủ Nhật Bản, lưu ý rằng, Washington biết chính phủ Nhật Bản đã xem xét một vài lựa chọn liên quan tới việc giám sát nước đã qua xử lý này. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bày tỏ ủng hộ quyết định của Nhật Bản về việc xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển. IAEA khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để giám sát thực hiện kế hoạch một cách an toàn và minh bạch. Đây là tuyên bố được Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đưa ra ngày 15/4.

Theo IAEA, việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản là phù hợp với thông lệ quốc tế và khả thi về mặt kỹ thuật. Theo IAEA, xả nước thải ra biển một cách có kiểm soát là phương pháp được các nhà vận hành nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới sử dụng thường xuyên theo quy định cụ thể dựa trên đánh giá an toàn và tác động môi trường.

Nhật Bản tính đổ hơn triệu tấn nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương, Trung Quốc phản ứng gay gắt - Ảnh 3.

Vụ cháy lò phản ứng hạt nhân được xem là một trong những sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất.

 

Làn sóng phản đối Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương

Người dân Nhật Bản và các nước láng giềng vẫn quan ngại về khả năng các chất phóng xạ tồn dư trong nước thải sẽ tác động tiêu cực đến ngành đánh bắt hải sản và môi trường.

Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành đánh bắt cá Nhật Bản và người dân. Theo các chuyên gia, vụ xả nước nhiễm phóng xạ này được cho là sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành đánh bắt cá ở Fukushima, bởi nhiều năm qua, ngành đánh bắt cá đã tìm nhiều cách để khôi phục sản xuất, chứng minh các loại thủy hải sản ở khu vực này đảm bảo an toàn. 

Ông Hiroshi Kishi, người đứng đầu liên minh hợp tác xã nghề cá quốc gia chia sẻ trong một cuộc họp với chính phủ: "Kế hoạch này có thể gây ra tác động thảm khốc đến tương lai của ngành đánh bắt cá Nhật Bản".

Ngoài ra, việc xả nước phóng xạ có thể khiến các nước khác thắt chặt hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản của Nhật Bản, đảo ngược nỗ lực gần đây của người dân cũng như doanh nghiệp Nhật. Hiện vẫn còn một số quốc gia và khu vực tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của Nhật Bản vì hậu quả của cuộc khủng hoảng Fukushima, do lo ngại về tính an toàn của sản phẩm.

Nhật Bản - xả nước thải hạt nhân

Ông Hiroshi Kishi, người đứng đầu liên minh hợp tác xã nghề cá quốc gia

Một số nhóm môi trường bao gồm Friends of the Earth Japan và Ủy ban Công dân về Năng lượng Hạt nhân thì cho biết, họ đã thu thập được hơn 64.000 chữ ký từ 88 quốc gia và khu vực trong một bản kiến nghị trình lên Chính phủ, nhằm đảo ngược quyết định xả nước thải của Fukushima ra biển.

Nga, quốc gia có đất liền và biển giáp khu vực, bày tỏ quan ngại. Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối Tokyo xả nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ "hành động" nếu Nhật tiếp tục với kế hoạch xả thải. Trung Quốc cho rằng kế hoạch này của Nhật Bản sẽ gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng, đồng thời chỉ trích Tokyo đã quyết định xử lý nước thải hạt nhân "mà không quan tâm đến những nghi ngờ cũng như lời phản đối trong và ngoài nước".

Bắc Kinh cho biết, đại dương là "tài sản chung của nhân loại" và việc xử lý nước thải hạt nhân "không chỉ là vấn đề trong nước của Nhật Bản". "Trung Quốc sẽ tiếp tục cùng với cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ các diễn biến và có quyền đưa ra các phản ứng tiếp theo", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Trong một tuyên bố riêng ngày 15/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cảnh báo kế hoạch xả thải của Nhật Bản có thể đe dọa tới an ninh lương thực các nước trong khu vực. Ông Gao Feng, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ đánh giá ảnh hưởng của việc Nhật xả thải đối với nguồn thực phẩm và nông sản Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng lên tiếng "lấy làm tiếc về quyết định này, vốn có thể có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường xung quanh trong tương lai". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thể hiện sự quan ngại và nói rõ quan điểm của Seoul khi gặp đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc. Trong một cuộc họp nội các, ông Moon ra lệnh nghiên cứu khả năng đưa sự việc lên lên Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS).

Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ 8 tỉnh gần Fukushima của Nhật Bản từ năm 2013. Hồi năm ngoái, Seoul cũng mở rộng việc kiểm tra nồng độ phóng xạ từ 1 lần/năm lên 4 lần/năm. "Tôi rất lo lắng. Đó là những thứ chúng tôi ăn vào… Chính phủ cần ngăn họ làm ô nhiễm đại dương. Nếu biển bị ô nhiễm, tôi sẽ không dám ăn cá nữa", cụ ông 80 tuổi Kim Ki Suk nói.

Nguồn: Reuters, NPR, Xinhua
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm