pnvnonline@phunuvietnam.vn
10 năm thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản: Nhiều phụ nữ chịu nỗi đau kép
Nỗi đau với cả người đi và người ở lại
Theo khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản về hậu quả của người dân ở các tỉnh bị ảnh hưởng trong thảm họa động đất và sóng thần Tohoku (gồm 6 tỉnh Akita, Aomori, Fukushima, Iwate, Miyagi và Yamagata của Nhật Bản) năm 2011, phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 càng khiến nữ giới ở đây phải chịu những nỗi lo lắng thường trực trong cuộc sống. Nền kinh tế đình trệ, lực lượng lao động bị thu hẹp, rất nhiều người dân ở các tâm chấn của trận động đất đã chuyển đến các thành phố để tìm việc làm.
Yokoyama Wakana hiện là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Sendai, một trong những thành phố lớn nhất ở Đông Bắc Nhật Bản. Cách đây 10 năm, khi còn là cô bé 12 tuổi, Yokoyama đã thoát chết nhờ kịp chạy lên một ngọn đồi gần trường học. Giờ đây, ngoài việc học tập, Yokoyama còn kiếm tiền thêm với công việc của một vũ công. Là thành viên nổi tiếng nhất trong đoàn, Yokoyama thường được các đoàn truyền hình theo dõi và tham gia các chiến dịch truyền thông. Những ngày này, Yokoyama thường được phỏng vấn với tư cách là gương mặt trẻ của trận sóng thần hơn là vì khả năng khiêu vũ của cô.
Trận sóng thần đã cướp đi cơ hội tham dự lễ tốt nghiệp tiểu học của Yokoyama. Bây giờ, đại dịch Covid-19 đã khiến gia đình và bạn bè của Yokoyama không thể tham dự lễ tốt nghiệp đại học của cô. Những nỗi đau luôn hiện hữu trong nhiều năm qua đối với Yokoyama. Cô tin rằng mình đang sống trong một thời đại bị nguyền rủa.
Những trường hợp ở lại quê hương như bà Izumi Mizuno ở thành phố Kitakami không có nhiều. Cách đây 10 năm, bà Mizuno đã thoát khỏi thảm họa bằng cách chạy lên sân thượng của tòa nhà văn phòng nơi bà làm việc, trong khi nhiều đồng nghiệp của bà đã không thể sống sót.
Sau khi thảm họa diễn ra, bà Mizuno đã nghỉ công việc văn phòng. Nhưng khác với nhiều người chọn cách rời bỏ quê hương, bà quyết định ở lại và mở một cửa hàng bánh mì để kiếm sống. Hiện nay, bà Mizuno và chồng vẫn tiếp tục điều hành công việc kinh doanh nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của họ.
Cộng đồng nông thôn ngày càng ít đi vì xu hướng bỏ quê ra thành phố ngày càng nhiều. Ví dụ như ở khu vực Minamisanriku của vùng Tohoku, dân số đã giảm từ 17.666 người ngay trước khi thảm họa thiên nhiên xảy ra, xuống còn 12.691 người vào tháng 12/2020.
Người dân vẫn e dè với ô nhiễm hạt nhân
Chính phủ Nhật Bản coi Fukushima, nơi được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa động đất và sóng thần Tohoku 2011 là biểu tượng cho sự hồi sinh của quốc gia và khuyến khích người dân quay lại vùng đất bị ô nhiễm này. Nhưng vì lo sợ nguy hại của nhà máy hạt nhân, việc làm và cơ sở hạ tầng, người dân đang tránh xa nơi này. Quá trình hồi sinh và tái thiết khu vực Tohoku không hề suôn sẻ dù thảm họa đã xảy ra cách đây một thập kỷ.
Bà Hisae Unuma, một trong những nạn nhân của thảm họa thiên nhiên cách đây 10 năm, khẳng định, bà sẽ không về nhà cũ, dù chính phủ có tạo điều kiện thuận lợi. Mức nhiễm phóng xạ xung quanh nhà bà tại Fukushima hiện gấp khoảng 20 lần so với ở Tokyo. Người phụ nữ này không sợ động đất, nhưng lo các lò phản ứng hạt nhân không an toàn bởi thực tế trong quá khứ đã chứng minh điều đó.
Một thập kỷ sau thảm họa sóng thần, di chứng của sự cố hạt nhân vẫn còn hiện hữu. Chỉ có 9 trong số 54 lò phản ứng của nước này bị ngừng hoạt động sau đó đã được bật trở lại.
Sự chia rẽ xã hội cũng là một vấn đề nhức nhối ở đất nước mặt trời mọc. Mặc dù sự chú ý của báo chí trong thời gian qua tập trung nhiều vào tình trạng khẩn cấp hạt nhân, nhưng chỉ có một trường hợp tử vong được xác nhận là do nhiễm phóng xạ. Một số người cho rằng việc sơ tán hơn 100.000 người, phần lớn trong số họ là người cao tuổi, khỏi các thị trấn gần nhà máy điện là một phản ứng thái quá.
Theo Chính phủ Nhật Bản, thêm hàng trăm người chết vì căng thẳng, tự tử hoặc bỏ lỡ cơ hội chăm sóc y tế do cuộc sơ tán hỗn loạn. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ, vẫn lo lắng về những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của việc tiếp xúc với bức xạ, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Gian nan quá trình hồi sinh
Ngày nay, khu vực Tohoku vẫn đang được tái thiết. Tại thị trấn Minamisanriku, tỉnh Miyagi, các đường cao tốc và tường chắn sóng mới đã được hoàn thành, chạy dọc bờ biển; một trung tâm mua sắm lâu dài đã được xây dựng lại cho cư dân. Quá trình xây dựng để nâng trung tâm thị trấn từ vị trí trước đây trong thung lũng lên cao hơn 10 mét trên các ngọn đồi xung quanh tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 2.500 người bị coi là mất tích sau 10 năm kể từ khi thảm họa xảy ra.
Theo kế hoạch, ngày 11/3/2021, Chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất sóng thần xảy ra 10 năm trước đây. Dự kiến, buổi lễ sẽ diễn ra tại Nhà hát Quốc gia, quận Chiyoda, thủ đô Tokyo với sự tham dự của Nhật Hoàng Naruhito cùng Hoàng hậu, Thủ tướng Suga Yoshihide, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cùng Chánh án Tòa án tối cao.
Vào lúc 14h46 theo giờ địa phương - đúng thời khắc xảy ra thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản cách đây 10 năm - tất cả những người tham dự buổi lễ tại Nhà hát Quốc gia sẽ dành một phút tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa. Trong ngày 11/3, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, trường học và doanh nghiệp đều treo cờ rủ.
Thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản 2011 hay còn gọi là Thảm họa động đất và sóng thần Tohoku 2011 là một trận động đất mạnh 9,0 độ Richter ngoài khơi Nhật Bản xảy ra lúc 5h46 UTC (14h46 giờ địa phương) vào ngày 11/3/2011. Trận động đất kéo dài 6 phút này đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Trận động đất cũng đã gây ra vụ tai nạn hạt nhân lớn thứ hai trong lịch sử và là một trong hai sự kiện duy nhất được xếp vào Cấp độ 7 trong Thang sự kiện Hạt nhân Quốc tế. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận có 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, tổn thất do động đất và sóng thần tàn phá miền Đông Bắc có thể lên đến 309 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.