Di tích Hải Vân quan hay còn có tên gọi là Thiên hạ đệ nhất hùng quan, là cửa ải xưa trên đèo Hải Vân, cửa ải Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nhà Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826), nằm ở độ cao 496m so với mực nước biển.
Trai qua những biến thiên của lịch sử, vai trò là một cửa ải đã không còn nữa. Nhưng nó vẫn giữ vai trò là một di tích lịch sử, thu hút được nhiều khách du lịch ghé thăm hàng năm.
Ngày 14/4/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định 1531 công nhận Hải Vân quan là Di tích Quốc gia.
Sau khi bị xuống cấp trầm trọng, thì di tích Hải Vân Quan được tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng cũng góp tiền tu bổ phục dựng lại di tích này.
Theo đó, từ tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, tổ chức trùng tu, phục hồi di tích Hải Vân quan, với tổng diện tích 6.500 m2. Dự án có tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50% và thành phố Đà Nẵng 50% trên tổng mức đầu tư.
Sau gần 2 năm thực hiện dự án, đến nay di tích Hải Vân Quan đã được xây dựng gần hoàn thiện với quy mô hoành tráng, trở thành điểm du lịch lý tưởng trên đèo Hải Vân. Đồng thời, nó còn thể hiện sự quan tâm, nhất quán của 2 địa phương là tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, khi cùng thống nhất bỏ kinh phí ra tôn tạo di tích.
Trái ngược với số phận của di tích Hải Vân quan, thì di tích Hoành Sơn quan lại đang xuống cấp nhanh chóng, trở thành phế tích vì không được công nhận là di tích quốc gia, không được trùng tu tôn tạo như Hải Vân Quan. Nguyên nhân được cho là xảy ra tranh chấp giữa 2 địa phương là tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình từ nhiều năm nay.
Ngược dòng lịch sử, vào tháng 3/1833, Vua Minh Mạng cho thiết lập cửa ải trên dãy Hoành Sơn nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại, nên gọi với cái tên là "Hoành Sơn quan" tại vị trí đèo Ngang - người địa phương quen gọi là "Cổng Trời". Hoành Sơn quan là một cửa ải kiểm soát trên đường thiên lý Bắc - Nam.
Do nằm ở ranh rới phân chia 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, nên tỉnh nào cũng nhận di tích Hoành Sơn quan là của tỉnh mình, dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Vào tháng 8/2002, Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đến tháng 3/2005, Hà Tĩnh cũng xếp hạng công trình này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sau đó cả 2 tỉnh đều đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Hoành Sơn quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhưng đều không được chấp nhận, bởi lý do tranh chấp.
Do dính vào tranh chấp kéo dài chưa thể giải quyết được, nên Hoành Sơn quan bị bỏ bê, xuống cấp nghiêm trọng. Nếu như không có giải pháp tháo gỡ tranh chấp thì chắc chắn di tích Hoành Sơn quan sẽ hư hại và trở nên hoang tàn. Đây là số phận tủi buồn cho cửa ải Hoành Sơn hùng tráng thuở nào, khiến người dân qua đây không khỏi nuối tiếc và xót xa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn