Đại dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động trực tuyến. Trong đó, làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến là hai xu hướng nổi bật, được nhiều người lựa chọn để đảm bảo an toàn phòng dịch. Để thực hiện các hoạt động trên, việc cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng là điều kiện bắt buộc, giúp người tiêu dùng có thể khai thác và sử dụng các tiện ích trực tuyến.
Lợi dụng những thông tin cung cấp đó, các đối tượng xấu đã thực hiện những hành vi mạo danh, lừa đảo đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả về tài chính và tinh thần.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hướng dẫn một số dấu hiệu nhận biết và lưu ý để để người tiêu dùng chủ động bảo vệ bản thân khi tiếp nhận và sử dụng thông tin được cung cấp trong thời kỳ Covid-19.
Cụ thể, nếu bạn nhận được thông báo tài khoản ngân hàng của bạn được khoản tiền chuyển đến mà không có lý do, bạn cần làm gì để tránh mắc bẫy của những kẻ lừa đảo?
Bạn thấy thông báo tài khoản ngân hàng của bạn nhận được khoản tiền chuyển đến mà không có lý do hoặc bạn không biết người chuyển tiền là ai. Sau đó, bạn được người lạ liên hệ lại, thông báo các nội dung, như:
- Thông báo đã giải ngân khoản vay và bạn đã nhận khoản nợ của bên cho vay.
- Thông báo chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của bạn và đề nghị bạn chuyển lại khoản tiền đó cho họ.
Trường hợp không xác định được nguồn gốc, tính chính xác của khoản tiền nhận được chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình, người tiêu dùng cần lưu y:
- Tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng liên hệ;
- Chủ động và tự mình phản ánh, liên hệ tới các cơ quan liên quan như ngân hàng, cơ quan công an để thực hiện thủ tục xử lý khoản tiền chuyển nhầm.
- Tuyệt đối không sử dụng khoản tiền được chuyển nhầm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn