Tiêu dùng an toàn thời Covid-19: Thận trọng với tin tức liên quan đến dịch bệnh

PV
22/07/2021 - 09:25
Tiêu dùng an toàn thời Covid-19: Thận trọng với tin tức liên quan đến dịch bệnh

Ảnh minh họa

Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết và không chia sẻ các thông tin về dịch bệnh, thị trường, hàng hóa… không trung thực, chưa được kiểm chứng được chia sẻ trên mạng trong mùa dịch Covid-19?

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các thông tin về dịch bệnh, thị trường, hàng hóa… được nhiều người chia sẻ trên mạng. Trong đó, có những thông tin không trung thực, chưa được kiểm chứng, gây hoang mang cho người đọc. Thậm chí, có những thông tin còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả về tài chính và tinh thần.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hướng dẫn một số dấu hiệu nhận biết và lưu ý để để người tiêu dùng chủ động bảo vệ bản thân khi tiếp nhận và sử dụng thông tin được cung cấp trong thời kỳ Covid-19.

Cụ thể, hiện nay, có rất nhiều các tin nhắn, email và bài đăng trên các trang mạng xã hội có các thông tin giả mạo liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như: Bán vaccine, cung cấp suất tiêm vaccine, kêu gọi quyên góp cho các quỹ vaccine, bệnh nhân Covid-19, bán que thử nhanh Covid-19, quyên góp cho những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh… 

Bên cạnh đó là các bài viết có nội dung liên quan đến hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hay quảng cáo sai sự thật; các vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm...

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ Covid-19: Thận trọng với  tin tức liên quan đến dịch bệnh - Ảnh 1.

Các thông tin giả mạo liên quan đến dịch bệnh Covid-19 được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội

Đối tượng đưa các thông tin nêu trên có xu hướng kêu gọi, đề nghị mọi người chia sẻ rộng rãi thông tin để tăng tính hiệu quả lan tỏa và góp phần chung tay bảo vệ cộng đồng trong thời kỳ Covid-19.

Việc chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội mà trong thời kỳ Covid-19, một số hành vi lan truyền thông tin không phù hợp có thể bị xem xét xử lý vi phạm từ các cơ quan nhà nước.

Khuyến cáo khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin

- Bạn nên tìm hiểu kỹ các thông tin được tiếp nhận trước khi đưa ra nhận định, quan điểm cá nhân hay chia sẻ thông tin đến cộng đồng.

Cảnh giác cao độ trước tất cả các thông tin trên mạng xã hội, các thông tin từ các trang tin không chính thống của chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Hình ảnh, video hoàn toàn có thể làm giả nên người tiêu dùng cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin. Khi chưa xác thực thông tin được đúng hay sai thì không nên đưa ra quan điểm chủ quan của bản thân hoặc chia sẻ cho người thân, bạn bè.

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ Covid-19: Thận trọng với  tin tức liên quan đến dịch bệnh - Ảnh 2.

Nên tìm hiểu kỹ các thông tin được tiếp nhận trước khi đưa ra nhận định, quan điểm cá nhân hay chia sẻ đến cộng đồng.

- Cảnh giác trước các bài đăng liên quan đến các vấn đề nhạy cảm của xã hội. Các thông tin xấu, đặc biệt là các thông tin về dịch bệnh thường được kẻ gian lợi dụng để xuyên tạc khéo léo nhằm gây bức xúc trong cộng đồng, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác để không bị lôi kéo, lợi dụng.

- Cập nhật thông tin từ các kênh thông tin truyền thông chính thống của chính phủ.

Việc cần làm khi phát hiện tin độc, tin xấu

Để góp phần phòng chống các hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, khi phát hiện các vụ việc, đối tượng có dấu hiệu thực hiện các hành vi nêu trên, người tiêu dùng nên:

- Chia sẻ thông tin vụ việc để người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết và chủ động phòng tránh.

- Phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan công an hoặc cơ quan về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm