Tủ thuốc gia đình còn thiếu "thuốc" về sức khỏe tâm lý

16:30 | 04/03/2022;
Đó là nhận định của Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, tại buổi tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?” dành cho học sinh tại TPHCM.

Những thách thức tâm lý sau đại dịch

Em Nguyễn Hoàng Anh Thư, học sinh lớp 10, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM), chia sẻ những lo lắng, rối bời trong tâm trạng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, khiến nhiều học sinh tham dự buổi tọa đàm cũng cảm thấy hao hao giống mình. 

Anh Thư cho biết: Trong đợt dịch bệnh vừa qua, cả gia đình em mắc Covid-19 và phải đi cách ly. Một mình em là âm tính và ở nhà. Em phải tự sinh hoạt, tự cách ly, tự lo mọi thứ trong 2 tuần. Ba mẹ Thư đều bị thất nghiệp do mùa dịch, gia đình khó khăn nên số tiền ba mẹ để lại cho Thư dùng trong 2 tuần đó rất ít. Cùng lúc đó, bà ngoại của Thư mất vì Covid-19.

Tủ thuốc gia đình còn thiếu "thuốc" về sức khỏe tâm lý  - Ảnh 1.

Em Nguyễn Hoàng Anh Thư, học sinh lớp 10, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, chia sẻ tại chương trình tọa đàm.

"Lúc đó em cảm thấy rất bế tắc, lo lắng và tuyệt vọng. Xung quanh em không có người thân, em không biết chia sẻ cùng ai. Dù có bạn nhưng lúc đó em không dám chia sẻ vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh và kỳ thị. Sau này, gia đình em bị tái nhiễm, em lại phải ở nhà một mình học oline. Nói chung, dịch Covid-19 đã khiến em hoang mang, lo lắng nhiều", Thư bộc bạch.

Nhiều học sinh tham gia buổi tọa đàm cũng chia sẻ bản thân phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài vì ảnh hưởng của dịch bệnh, vì không được ba mẹ lắng nghe, vì không gặp được bạn bè, thầy cô…

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG, chỉ ra rằng: Đợt dịch lần thứ tư vừa qua có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn... Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển.

Bên cạnh những mặt tích cực thì học trực tuyến kéo dài cũng có nhiều hạn chế. Lý thuyết lấn át thực hành, ít tương tác trong quá trình học, ít hoạt động nhóm, dễ mất động lực học tập. Trẻ phải ngồi trước thiết bị điện tử thời gian dài khiến các em cảm giác cô lập, xa cách. Từ đó, trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý…

“Tủ thuốc gia đình luôn có thuốc cảm cúm, đau bụng nhưng vị thuốc về sức khỏe tâm lý thì chưa” - Ảnh 2.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG

Trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian con ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ. Những tác động đó đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, thể chất và hạnh phúc của các em và chắc chắn sẽ còn kéo dài hậu quả trong nhiều năm tới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF, cứ 7 em thì có 1 trẻ vị thành niên trên toàn cầu chẩn đoán bị rối loạn tâm thần. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần của trẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết: "Chỉ sau khi bùng dịch Covid-19, các chuyên gia đưa ra những con số thì người ta mới bắt đầu đẩy mạnh các chuỗi hoạt động về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, phụ nữ, trẻ em. Hiện nay, cộng đồng chưa có nhận thức rõ về sức khỏe tâm thần nên không tìm kiếm sự hỗ trợ, mà các em khi có vấn đề nếu không nói ra thì làm sao phục hồi được. 

Tủ thuốc gia đình luôn có thuốc cảm cúm, đau bụng, đau bệnh gì là có thuốc đó… nhưng vị thuốc về sức khỏe tâm lý, tinh thần thì chưa được quan tâm. Nếu chúng ta đau bụng, đau ruột thừa, gãy tay, gãy chân thì rất nhiều người quan tâm nhưng tổn thương về mặt tâm lý rất vô hình, không nhìn thấy nên ít được quan tâm".

Học sinh cần tìm sự hỗ trợ từ đâu?

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đề xuất, cơ sở giáo dục phải thực sự quan tâm, tìm ra giải pháp phù hợp thực tiễn từng đơn vị để giúp học sinh vượt qua những khủng hoảng tâm lý nhất là sau mùa dịch. Bên cạnh vai trò của nhà trường thì phụ huynh, gia đình cũng rất quan trọng trong kịp thời phát hiện sớm những vấn đề tâm lý bất thường ở trẻ để cùng phối hợp tư vấn, chăm sóc tâm lý.

“Tủ thuốc gia đình luôn có thuốc cảm cúm, đau bụng nhưng vị thuốc về sức khỏe tâm lý thì chưa” - Ảnh 3.

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang chỉ ra cách để thầy cô, phụ huynh và bản thân các em học sinh nhận dạng những biểu hiện của rối loạn tâm lý như sau: Các em hay cảm thấy buồn chán, không thấy vui, nói chuyện cũng thấy mệt, vô lớp học không tập trung, thầy cô giảng bài không chú ý, khả năng nghiên cứu giảm sút. Các em rất dễ mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ngủ xong vẫn thấy mệt mỏi. Rất dễ nổi quạu với người thân, ba mẹ, bạn bè. Suy nghĩ tiêu cực vượt quá so với thực tế. Nhiều em còn có triệu chứng hay đau bụng, nhức đầu, tay chân mỏi mệt kéo dài… Với những biểu hiện kéo dài như vậy thì chúng ta đang gặp vấn đề và cần tìm sự hỗ trợ từ thầy cô, cha mẹ.

“Tủ thuốc gia đình luôn có thuốc cảm cúm, đau bụng nhưng vị thuốc về sức khỏe tâm lý thì chưa” - Ảnh 4.

Tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?”

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TPHCM), chia sẻ: "Vai trò của người tư vấn, chăm sóc tâm lý trong nhà trường vô cùng quan trọng. Nhất là trong giai đoạn đại dịch, nhiều em phải cách ly với gia đình thì việc có người quan tâm, chia sẻ sẽ giúp các em có thể vượt qua. Trường THPT Võ Văn Kiệt đã thành lập đường dây nóng, công khai số liên lạc của Ban giám hiệu để kịp thời tư vấn, trợ giúp cho các em. Trường còn tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến để các em có thể cùng trò chuyện, mạnh dạn bày tỏ khó khăn của mình với các thầy cô".

Còn Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị tư vấn lâm sàn Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, cho biết: Để giải quyết các rối loạn tâm lý, yếu tố quan trọng nhất là ứng dụng công thức MAD - Make A Difference nghĩa là Hãy làm khác đi. Trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi người hãy chọn một góc nhìn khác đi về sự việc, hiện tượng để thay đổi suy nghĩ tích cực hơn, nhìn thấy điểm mạnh của bản thân để vững vàng vượt qua khó khăn.

Ngày 4/3, tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM), Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?". Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia tâm lý, y tế, giáo dục tại TPHCM để cùng bàn luận và nêu ra giải pháp, giúp học sinh, sinh viên vượt qua được những khó khăn về tâm lý trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và việc dạy học trực tuyến kéo dài. Chương trình đã thu hút hơn 400 học sinh tại TPHCM tham gia.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn