pnvnonline@phunuvietnam.vn
Covid-19 là cú sốc tâm lý lớn với những người cao tuổi
Người cao tuổi được chăm sóc ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội)
Chăm sóc sức khoẻ tinh thần mùa dịch
Có bệnh nền cao huyết áp và bệnh viêm mũi họng mãn tính, bà Phạm Hồng Kỳ, 70 tuổi (ở Phố Mới, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai), không an tâm cho sức khỏe của mình, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Bà Kỳ luôn bị áp lực tâm lý khi không biết bản thân bị "ho do Covid-19 hay ho do bệnh mãn tính tái phát".
Còn bà Phan Thị Nghĩa, 64 tuổi (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), có bệnh nền đái tháo đường và tim mạch. Thời gian qua, thông tin về những trường hợp có nguy cơ cao mắc Covid-19 thường là người cao tuổi, có bệnh nền khiến bà cảm thấy bất an. Đặc biệt khi khu vực nơi bà sinh sống phải cách ly y tế do có ca nhiễm Covid-19, hàng ngày nghe cập nhật số ca nghi nhiễm trong khu phố ngày càng tiến gần đến nơi nhà mình ở khiến bà lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Muốn gặp gỡ, chia sẻ cùng con cháu để giải toả stress cũng không được do ông bà đang trong khu vực cách ly y tế. Bà chỉ có thể tâm sự cùng con cháu qua cuộc gọi video. Hiện khu vực nhà bà sinh sống đã được dỡ phong toả, một số hoạt động như tập thể dục ngoài trời đã được phép nhưng bà vẫn chưa trở lại thói quen này dù đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Tôi thấy chế độ bảo hiểm y tế dành cho người già hiện nay chưa linh hoạt. Chúng tôi phải đến nơi đăng ký bảo hiểm để khám, chữa bệnh và nhận thuốc. Trong khi đó, người cao tuổi thường đi lại rất khó khăn và sức khỏe yếu, dễ bị lây nhiễm bệnh Covid-19”.
Bà Phạm Hồng Kỳ, 70 tuổi, ở TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam, cho biết, người cao tuổi Việt Nam thường mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gút, xương khớp. Ở Việt Nam, tỉ lệ người cao tuổi có bệnh chiếm khoảng 95%. Trung bình một người cao tuổi có gần 3 bệnh.
Thực tế diễn biến dịch Covid-19 cho thấy, người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền như hen, phổi, suy thận, đái tháo đường, tim mạch, huyết áp... có nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong cao hơn so với các lứa tuổi khác.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, Covid-19 là cú sốc tâm lý rất lớn đối với những người cao tuổi. Đặc biệt trong thời gian qua, thông tin về các ca tử vong là người cao tuổi, có bệnh nền càng khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an. Để chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người cao tuổi trong mùa dịch, mối quan hệ trong gia đình đóng vai trò quan trọng. Các thành viên trong gia đình cần quan tâm, tạo cho người cao tuổi những thú vui nhỏ như chăm sóc cây cối, tích cực tập thể dục tại nhà... tránh để họ rơi vào suy nghĩ tiêu cực, lo lắng thái quá. Khi thấy người cao tuổi xuất hiện những biểu hiện tâm lý khác thường cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Hơn 900 nghìn người cao tuổi thuộc diện nghèo, khó khăn
Theo Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi đối tượng, trong đó có phụ nữ cao tuổi. Ông Trương Xuân Cừ cho rằng, tại Việt Nam dù tuổi thọ của nữ giới cao hơn so với nam giới nhưng chất lượng sống của nhiều người chưa được đảm bảo, điều kiện kinh tế của bản thân họ có thể không bằng nam giới.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, cuộc sống của phụ nữ cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn bởi họ là đối tượng có nhiều bệnh nền, có nguy cơ cao mắc Covid-19. Không chỉ bị tác động về sức khoẻ, phụ nữ cao tuổi còn đối mặt với khó khăn về kinh tế. Rất nhiều phụ nữ cao tuổi ở Việt Nam hiện nay vẫn phải làm việc cho đến 70-80 tuổi. Công việc mà họ hay làm là những công việc phi chính thức, không được trả công. Thậm chí nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa vẫn phải mưu sinh để nuôi sống bản thân. Kinh tế khó khăn làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của phụ nữ cao tuổi, khi bản thân họ là những người cần được chăm sóc nhiều hơn trong và sau đại dịch.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, nhiều người cao tuổi bị "lọt lưới an sinh" do làm ở lĩnh vực nông nghiệp, trong khu vực phi chính thức nên không có lương hưu, không có chế độ phúc lợi xã hội.
"Kể cả người nông dân, người lao động ở bất cứ lĩnh vực nào, đã là người lao động khi họ nghỉ hưu thì cần được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội. Chính sách an sinh xã hội cần hỗ trợ nhóm người đó, đặc biệt là nhóm phụ nữ cao tuổi, bởi phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Theo tôi, cần có thêm hỗ trợ cho họ. Chúng ta có thể nghiên cứu tạo ra những chương trình khám bệnh miễn phí, tặng quà, hỗ trợ phụ nữ cao tuổi vào những ngày lễ của phụ nữ", tiến sĩ Khuất Thu Hồng đề xuất.
"Tôi mong muốn mở rộng hơn đội ngũ bác sĩ gia đình. Đôi khi, tôi không muốn phải đến bệnh viện để khám những bệnh đơn giản vì đi bệnh viện vừa tốn kém mà người già chúng tôi đi lại khó khăn. Nếu đội ngũ bác sĩ gia đình ở Việt Nam phát triển thì người già chúng tôi sẽ có cơ hội được thăm khám, điều trị tại nhà, đỡ chi phí hơn nhiều".
Ông Đào Đức Nghĩa, 66 tuổi, ở Hà Nam
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ cho biết, trong số hơn 11 triệu người cao tuổi Việt Nam, có hơn 7 triệu người chưa được trợ cấp và hỗ trợ. Trong số này có khoảng hơn 900 nghìn người cao tuổi thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cần được trợ cấp.
Thời gian qua, về phía Hội Người Cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với chính quyền các cấp rà soát tất cả các đối tượng cần được chăm sóc để có chính sách, biện pháp hỗ trợ kịp thời. Các biện pháp này giúp cho người cao tuổi ổn định cuộc sống, biết cách tự bảo vệ sức khỏe, có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, hạn chế số người cao tuổi bị nhiễm dịch bệnh. Đồng thời, Hội cũng nghiên cứu để có những chính sách lâu dài hơn đối với những đối tượng đặc biệt khó khăn.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ