Giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người cao tuổi

Bài và ảnh: An Khê
01/10/2021 - 10:58
Giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người cao tuổi

Người cao tuổi được chăm sóc tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội

Mỗi nhóm tuổi của dân số có những hành vi khác nhau, với những hệ quả kinh tế rõ ràng: Nhóm dân số trẻ đòi hỏi đầu tư chiều sâu cho y tế và giáo dục; nhóm dân số mới bước vào tuổi lao động cung ứng nguồn lao động và tăng tích luỹ và nhóm người cao tuổi (NCT) đòi hỏi chăm sóc sức khỏe và thu nhập từ lương hưu.

Khi qui mô của mỗi nhóm dân số thay đổi tương ứng với những biến động dân số, thì những đòi hỏi của những hành vi kinh tế của những nhóm này cũng thay đổi theo.

Ở nước ta, chăm sóc đời sống NCT để đảm bảo về mặt vật chất và tinh thần luôn là những định hướng chính sách mà Đảng và Chính phủ Việt Nam thực hiện trong mọi giai đoạn phát triển đất nước. Tuy nhiên, do tốc độ "già hóa dân số" tăng nhanh, với số lượng và tỷ lệ NCT tăng cao sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khoẻ mạnh của nhóm NCT. Ngay cả khi tỷ lệ phụ thuộc trẻ em giảm cũng không thể bù đắp những chi phí xã hội tăng lên, do chi phí đối với NCT lớn hơn nhiều so với chi phí cho trẻ em. Các nhà khoa học đã chứng minh, chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe một người cao tuổi gấp 8 lần so với một trẻ em. Để thích ứng với "già hoá dân số", việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của "dân số già" trong 1-2 thập niên tới sẽ là một thách thức rất lớn đối với các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách ở nước ta.

Người cao tuổi với Covid-19

Hiện nay tại Khoa Lão khoa của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đang tiếp nhận chủ yếu các bệnh nhân sau đột quỵ não có di chứng về vận động, về ngôn ngữ và khả năng nuốt. Ngoài ra còn có nhóm bệnh nhân mắc các bệnh lý cơ xương khớp. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân thường có kèm theo bệnh lý nền như tim mạch, rối loạn chuyển hóa hay bệnh lý về hô hấp… điều đó góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ, làm nặng thêm tình trạng bệnh cũng như khả năng hồi phục đồng thời ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của NCT.

Giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người cao tuổi - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa lão khoa Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa lão khoa Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, vấn đề chủ yếu hiện nay của NCT là sức khỏe ngày càng giảm sút, hệ thống miễn dịch đồng thời suy giảm. Mặc dù sự suy giảm chức năng ở mỗi người cao tuổi khác nhau, nhưng đều dẫn tới hậu quả suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống.

NCT là đối tượng dễ mắc bệnh và nguy cơ bệnh diễn biến nặng nếu nhiễm Covid-19 bởi hệ thống miễn dịch suy giảm. Đặc biệt ở NCT có nhiều bệnh nền chưa kiểm soát tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính, bệnh tim mãn tính, bệnh thận, ung thư, suy kiệt… điều đó khiến cho chi phí điều trị kéo dài hơn, tình trạng bệnh nặng hơn, thậm trí nguy kịch và tử vong nhanh chóng.

Giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người cao tuổi - Ảnh 2.

Việc thành lập khoa Lão khoa trong các Bệnh viện sẽ giúp NCT được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, liên tục và chuyên biệt

Theo bác sĩ Việt Hà, từ thực tế cho thấy, việc chăm sóc người già ngày nay có nhiều thuận lợi, đó là đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội… dành cho NCT. Chất lượng sống của NCT được quan tâm và cải thiện rõ, hệ thống khám chữa bệnh cho NCT được hình thành và phát triển. Việc thành lập khoa Lão khoa trong các Bệnh viện sẽ giúp NCT được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, liên tục và chuyên biệt. Ngoài ra có nhiều trung tâm dưỡng lão dành cho người già đáp ứng phần nào nguyện vọng NCT. 

"Ở nước ta hiện nay, việc triển khai tiêm phòng cho NCT, đặc biệt người có bệnh nền, nhóm đối tượng cần được ưu tiên đang được đánh giá là mục tiêu an toàn góp phần bảo vệ NCT trước đại dịch cũng như giảm tình trạng nặng và nguy kịch nếu mắc phải", bác sĩ Việt Hà cho biết.

Cần có chính sách linh hoạt

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn, đặc biệt với NCT ở nông thôn. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, nhà nước, mà cụ thể là ngành y tế cần có nhiều hơn nữa các cơ chế chính sách cũng như tiếp tục mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường nhiều trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi. Đồng thời phát triển các cơ sở chăm sóc NCT chuyên biệt, có chế độ chính sách, an sinh xã hội cho NCT tại các cơ sở này để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và NCT có thể có yên tâm cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Ông Nguyễn Danh Viễn (60 tuổi) ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội bị thoái hóa đốt sống cổ phải điều trị lâu dài. Hiện nay sau thời gian dài điều trị ông cũng đã đi lại được. Ông cho biết: "Xác định nước mình còn nghèo, không như các nước phát triển, được hỗ trợ bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, người già phải tự lực còn con cái hỗ trợ được chút nào thì hay chút ấy. Chỉ mong người dân thực hiện tốt quy định của nhà nước, chấp hành tốt khuyến cáo để tránh dịch bệnh Covid-19 hiện nay".

Giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người cao tuổi - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Danh Viễn ( xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) và vợ tại bệnh viện

Theo đai diện Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số, NCT Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. NCT đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mãn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Việc xây dựng môi trường thân thiện với NCT và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp để nâng cao hiệu quả chăm sóc nói chung và chăm sóc sức khỏe NCT nói riêng chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ nên kết quả còn hạn chế.

Ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

- Ngày 1/10 hàng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991-1/10/2021).

- Số lượng người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh từ 7,67 triệu năm 2009 lên 11,4 triệu năm 2019. Theo dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta khoảng 18 triệu chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm