Trong khuôn khổ đề tài cấp bộ "Giải pháp tiếp cận thông tin thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm địa phương cho phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ", Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với tên gọi: "Tiếp cận và ứng dụng thông tin thị trường để tiêu thụ hàng hóa địa phương do phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ: Thực trạng và giải pháp".
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trường Đại học Kinh tế (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ, Hội LHPN huyện Tân Sơn...
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về thực trạng và giải pháp của việc tiếp cận và ứng dụng thông tin thị trường để tiêu thụ hàng hóa địa phương do phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của huyện Tân Sơn, nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Tân Sơn là 1 huyện mới của tỉnh Phú Thọ, có 8 dân tộc thiểu số sinh sống với văn hóa giàu bản sắc; người dân cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Tân Sơn đã được thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng Nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ hàng hoá sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp nông thôn ở Tân Sơn. Ứng dụng công nghệ thông tin có thể áp dụng trong tiêu thụ hàng hoá thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp nông thôn như: ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quảng bá về cảnh quan, vẻ đẹp thiên nhiên, con người, bản sắc văn hoá, tiềm năng và các sản phẩm du lịch; quảng bá các đặc sản của địa phương; ứng dụng thương mại điện tử đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu…
Thực trạng tiếp cận và ứng dụng thông tin trong việc tiêu thụ hàng hóa của phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Tân Sơn được trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá ở mức trung bình khá. Phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng đã phần nào có khả năng đánh giá được tính chính xác, tính hữu ích của thông tin về cơ chế, chính sách của nhà nước mà mình tiếp cận được. Từ đó họ có thể đưa ra những quyết định trong việc ứng dụng các thông tin này vào trong thực tế sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của gia đình và cộng đồng. Cũng theo khảo sát của trường Đại học Kinh tế, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng đã phần nào phần nào vận dụng được vai trò "bà đỡ" của nhà nước vào trong hoạt động sản xuất tiêu thụ sản phẩm của mình.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin và thị trường tiêu thụ nông sản miền núi tại một số địa phương, từ đó đưa ra giải pháp và kinh nghiệm hữu ích đối với bà con nông dân ở huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn