Nữ thạc sĩ 9x dân tộc Dao Tuyển truyền cảm hứng trên mạng xã hội

Lê Hoa
10/07/2023 - 10:39
Nữ thạc sĩ 9x dân tộc Dao Tuyển truyền cảm hứng trên mạng xã hội

Chảo Thị Yến tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá nông sản của quê hương.

Xóa bỏ định kiến con gái học nhiều là bất hiếu, Chảo Thị Yến (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã trở thành nữ thạc sĩ dân tộc thiểu số đầu tiên giành học bổng du học châu Âu và trở thành người truyền cảm hứng trên mạng xã hội.

Sinh ra từ bản làng nghèo, đi lại khó khăn, gia đình nghèo khó, cơm không đủ ăn, chuyện học hành với Chảo Thị Yến cũng như nhiều em gái dân tộc thiểu số khác, đó là chuyện thật xa vời. Học xong lớp 9 thì bố bị bệnh nặng, Chảo Thị Yến trở thành lao động chính trong nhà. Nhưng không vì thế mà ước mơ được đến trường của cô gái 9x bị lãng quên. Yến luôn nung nấu mong muốn một ngày nào đó được quay lại tiếp tục đi học. Và 3 năm liền, Chảo Thị Yến đã kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ để tiếp tục được đến trường. Cô gái giàu nghị lực ấy đã trở thành người đầu tiên trong bản đi học đại học.

Yến chọn Đại học Lâm nghiệp. Học để thoát nghèo, để không phải lấy chồng sớm như bạn bè cùng trang lứa, học để góp phần giúp nâng cao sinh kế cho cộng đồng sống gần rừng, giảm áp lực sinh kế cho bà con để họ không phá rừng.

Nữ thạc sĩ 9x dân tộc Dao Tuyển truyền cảm hứng trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Nữ thạc sĩ 9X người Dao Tuyển Chảo Thị Yến nổi tiếng trên mạng xã hội

Hành trình truyền cảm hứng của cô gái dân tộc thiểu số

Bước từ bản làng đến giảng đường đại học, đó tưởng như đã là một hành trình dài. Nhưng với cô gái giàu nghị lực như Yến, ước mơ không dừng lại. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, Yến giành được học bổng toàn phần trị giá 50.000 USD tức khoảng 1,2 tỷ đồng, đào tạo thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững tại Đức và Italy. Chảo Thị Yến trở thành cô gái miền núi đầu tiên của xã vùng biên giới Việt - Trung đi du học.

Hành trình từ bản người Dao đến học bổng Erasmus đã được Chảo Thị Yến kể lại trong cuốn sách "Đường ngược chiều" của mình. Vượt lên hoàn cảnh, vượt lên những khó khăn, những thất bại, những trang sách của cô gái dân tộc thiểu số đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ dám mơ ước, dám thử thách, dám dấn thân vì chính bản thân mình và vì cộng đồng.

Nữ thạc sĩ 9x dân tộc Dao Tuyển truyền cảm hứng trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Vượt lên hoàn cảnh, vượt lên những khó khăn, những thất bại, Chảo Thị Yến đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ

Không dừng ở đó, Chảo Thị Yến còn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh với homestay du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế. Chảo Thị Yến tâm sự: " Homestay của Yến mang tên Goong, theo tiếng dân tộc Dao Tuyển "goong" có nghĩa là tốt đẹp, xinh đẹp, làm tốt. Yến mong muốn quảng bá hình ảnh dân tộc mình đến với người dân cả nước và du khách quốc tế, góp phần đưa văn hóa dân tộc Dao Tuyển lan tỏa và được nhiều người biết đến hơn, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Làm du lịch cộng đồng trước hết là mang lại giá trị kinh tế cho bản thân và lâu dài hơn sẽ là cho cộng đồng, giúp người dân mình phát triển và tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại hơn".

Vượt qua chính mình, truyền cảm hứng cho bà con nông dân làm giàu

Trở thành một "người nổi tiếng", Chảo Thị Yến bắt đầu sản xuất những video kể lại nhiều câu chuyện thú vị của cộng đồng người Dao Tuyển về ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, cuộc sống hàng ngày của miền sơn cước… để quảng bá những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Cô còn tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá nông sản của quê hương. Chảo Thị Yến cho biết: "Xuất thân là dân nghiên cứu, học thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững nên những kiến thức về công nghệ số hay bán hàng online với mình gần như là số 0. Kênh của mình xây dựng với mục đích truyền cảm hứng nhưng khi bản thân mình chưa thực sự thành công và có những thành quả thiết thực giúp cộng đồng thì mãi mãi chỉ là "cảm hứng" trên giấy mà thôi. 

Vì thế, mình quyết định khởi nghiệp, phải làm giàu, kiếm được tiền và tạo được sinh kế cho cộng đồng thì mới có chỗ đứng nhất định. Khi có chỗ đứng thì tiếng nói của em mới có trọng lượng hơn. Do đó, em đã quyết định bán hàng trên mạng xã hội".

Nữ thạc sĩ 9x dân tộc Dao Tuyển truyền cảm hứng trên mạng xã hội - Ảnh 3.

Cô còn tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá nông sản của quê hương.

Nhận thấy tiềm năng bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, Chảo Thị Yến đã hướng dẫn cho các nhóm nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số. Bản thân cô gái 9x cũng là người tiên phong, đi đầu, để khuyến khích bà con làm theo. 

"Giá trị lớn nhất mình nhận được khi tham gia bán hàng trên nền tảng mạng xã hội chính là vượt qua chính mình. Trước đây, mình vẫn nghĩ việc livestream bán hàng khiến "giá trị" bản thân đi xuống, sao mình là thạc sĩ học ở nước ngoài về mà phải ngồi bán hàng livestream. Nhưng khi thấy việc làm này có thể mang lại hiệu quả rất lớn cả về mặt hình ảnh lẫn lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng thì không lý do gì mà không tiếp cận", Chảo Thị Yến chia sẻ tại Hội nghị với chủ đề: "Kết nối hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số".

Tự tin, dám nghĩ, dám hành động, Chảo Thị Yến không chỉ là niềm tự hào của bản người Dao, mà còn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ từ bản làng tự tin khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm