Thực hiện bình đẳng giới xóa tan định kiến, bạo lực gia đình, khoảng cách giàu nghèo

Những giá trị đích thực của bình đẳng giới

Câu chuyện về bạo lực gia đình, về định kiến giới, về việc sinh nhiều con, thậm chí cả về quyền quyết định kinh tế trong gia đình đã không còn là nỗi ám ảnh của những người phụ nữ dân tộc Dao, Tày, Xa Phó… ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Cuộc sống của họ giờ đây tự do và bình đẳng hơn, không chỉ đối với những người đàn ông trong gia đình, mà còn với cả bạn bè, người thân và chính bản thân họ.

17 tuổi đi lấy chồng, 33 tuổi đã là mẹ của hai đứa con đang học lớp 9 và lớp 8, cuộc sống của Lương Thị Đàn, người phụ nữ dân tộc Xa Phó tại thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Keng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai hơn 15 năm nay chỉ xoay quanh con cái và bếp núc. Chị chưa bao giờ được ra khỏi địa bàn huyện, cũng chưa từng biết đi một chuyến du lịch là như thế nào, nhưng từ khi trở thành thành viên hội phụ nữ xã và tham gia vào tổ trồng gai xanh thôn Đồng Vệ, cuộc sống của chị đã trở nên sống động, nhiều màu sắc hơn.

Từ năm 2019, chị được tham gia nhiều khóa tập huấn về việc phát triển các mô hình kinh tế mới, bình đẳng giới và quyết định liên kết với các chị em phụ nữ trong thôn trồng, phát triển cây gai xanh, một loại cây thường dùng làm nguyên liệu dệt may có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cây lương thực.

Bình đẳng giới xóa tan định kiến, bạo lực gia đình, khoảng cách giàu nghèo - Ảnh 1.

Cuộc sống của phụ nữ dân tộc thôn Đồng Vệ nhiều màu sắc hơn từ khi trở thành thành viên Hội LHPN xã và tham gia vào tổ trồng gai xanh

Chị Lương Thị Đàn bảo, tự chủ về kinh tế khiến chị cảm thấy mình mạnh mẽ hơn và có giá trị hơn. Chị có thể cho các con tiền đóng học phí, có quyền tự quyết việc mua sắm vật dụng, chi tiêu cho gia đình và dám nghĩ tới những việc trước đây chị chưa từng nghĩ, chẳng hạn như thưởng cho mình một chuyến du lịch đầu tiên trong đời.

Câu chuyện của chị Đàn đã cho thấy những tín hiệu vui về sự thay đổi đang bắt đầu xuất hiện trong các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay. Từ sự nhút nhát, tự ti, giao tiếp xã hội kém do những hạn chế trong trình độ nhận thức và ngôn ngữ, họ đã ngày càng tự tin và nhận thức rõ hơn về quyền năng của mình. 

Sự phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế từ người chồng cũng như định kiến lạc hậu cho rằng nữ giới thua kém nam giới dần được xóa bỏ. Sự nghèo đói không còn là bóng ma ám ảnh cuộc sống của họ mà thay vào đó là thái độ nhiệt tình khi tham gia các hoạt động xã hội, sự ham học hỏi và sự nhanh nhạy với các mô hình kinh tế mới đã biến nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số trở thành tấm gương phát triển kinh tế tại địa phương, người truyền cảm hứng và góp phần thay đổi chính cộng đồng của mình. 

Những câu chuyện về những người phụ nữ dân tộc thiểu số tại vùng đất Văn Bàn, Lào Cai dưới đây là minh chứng cho điều đó.

Ai cũng có quyền quyết định về kinh tế


Là một trong 6 hộ đầu tiên tại thôn Đồng Vệ tham gia vào dự án trồng cây gai xanh do Hội liên hiệp phụ nữ huyện Văn Bàn phát động, bà Lương Thị Điến, 58 tuổi cho biết, lúc đó bà rất băn khoăn, lo lắng về hiệu quả thật sự của giống cây trồng này. Nhưng chỉ sau 3 năm, cây gai xanh đã mang đến cho gia đình bà nguồn thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm và khiến cho bà từ một người phụ nữ nhút nhát, từng không dám nói chuyện trước đám đông trở thành tổ trưởng tổ trưởng tổ liên kết trồng cây gai xanh của thôn Đồng Vệ với số lượng tăng lên 30 hộ.

Bình đẳng giới xóa tan định kiến, bạo lực gia đình, khoảng cách giàu nghèo - Ảnh 2.

Cây gai xanh đã mang đến cho gia đình bà Lương Thị Điến nguồn thu nhập vài chục triệu đồng/năm

"Ngay trong năm đầu tiên, cây gai xanh đã cho thu hoạch từ 120-160 triệu đồng/ha, sau khi trừ đi các loại chi phí thì lãi được 40-60 triệu/ha, hiệu quả cao gấp 5 lần so với trồng ngô, trồng sắn", bà Điến nói.

Thế nhưng, điều khiến bà cảm thấy hạnh phúc nhất không phải đến từ nguồn thu nhập cao do giống cây này mang lại mà nó giống như một sợi dây gắn kết bà với những người phụ nữ trong thôn, thậm chí còn thu hẹp khoảng cách giữa những người đàn ông và đàn bà của thôn Đồng Vệ, mang tới cho họ cơ hội cùng làm, cùng học hỏi và cùng nhau hưởng thụ thành quả.

Bình đẳng giới xóa tan định kiến, bạo lực gia đình, khoảng cách giàu nghèo - Ảnh 3.

Phụ nữ trong thôn cùng làm, cùng học hỏi

Là dự án phát triển kinh tế dành cho phụ nữ nên đương nhiên, phụ nữ sẽ là những người tham gia chính vào việc trồng, chăm sóc cây gai xanh. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà vai trò của những người đàn ông bị xem nhẹ. Trong 30 hộ nằm trong tổ liên kết thì hộ nào cũng có sự tham gia của những người đàn ông. Họ sẽ đóng vai trò phụ giúp vợ, giúp mẹ chăm sóc, thu hoạch cây gai xanh, chấp nhận đứng sau hỗ trợ để nhường quyền làm chủ cho phụ nữ.

"Chị em phụ nữ được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nhiều hơn, được học về cách bán hàng, marketing sản phẩm, được mời phát biểu ý kiến nhiều hơn. Đàn ông nhiều khi còn làm nhiều hơn phụ nữ nhưng họ ít kể công", bà Điến chia sẻ.

Còn với chị Hoàng Thị Huế, một phụ nữ dân tộc Tày đang sinh sống tại bản Mạ, thị trấn Khánh Yên, nghề gói bánh chưng từ một công việc làm thêm đã dần trở thành một nghề mang lại thu nhập chính, giúp gia đình chị thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong huyện. CHị Huế cho biết, trước đây chị chỉ tranh thủ gói vài chục chiếc bánh chưng mỗi ngày để bán thêm cho các hàng quán tại địa phương, thu nhập chỉ loanh quanh 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Từ năm 2018, chị đã quyết định mở rộng quy mô khi sản phẩm của chị ngày càng được khách hàng yêu thích. Với số lượng bán ra từ 300-400 chiếc mỗi ngày, bánh chưng của Huế giờ đây còn xuất hiện tại một số siêu thị mini ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Nhờ làm bánh chưng, chị Hà Thị Huế tạo việc làm với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng mỗi tháng cho gần 10 lao động tại địa phương.

Tuy không chia sẻ cụ thể về mức thu nhập hàng năm từ việc gói và bán bánh chưng, nhưng Huế nói giờ chị có thể mua được những cái mình thích, muốn đi đâu thì đi, có tiền để sắm thêm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy lọc nước và sửa sang lại nhà. Ngoài ra, chị còn tạo thêm việc làm với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng mỗi tháng cho gần 10 lao động khác tại địa phương.

Hiệu quả từ mô hình làm bánh chưng mang lại đã đưa Huế dần trở thành trụ cột kinh tế chính trong gia đình, ý kiến của chị cũng được lắng nghe và ghi nhận hơn so với trước đây. Dưới sự thuyết phục của vợ, chồng chị cũng dần bỏ bớt những công việc đồng áng để dành nhiều thời gian phụ vợ làm bánh.

Buông bỏ những áp lực vô hình


Ngoài phát triển kinh tế gia đình, sự thay đổi trong tư duy của những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Văn Bàn còn thể hiện ở việc biết từ bỏ những định kiến lạc hậu như nạn tảo hôn, sinh nhiều con, phải sinh con trai nối dõi, phụ nữ phải phục tùng đàn ông… vốn là nguồn cơn mang đến cho họ những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Lớn lên trong gia đình người Dao có 3 chị em gái và 1 người em trai, chị Đặng Thị Diện, hiện đang sống tại thôn Phường Cong, xã Nậm Tha càng hiểu rõ hơn sự vất vả của gia đình đông con cũng như những thiệt thòi mà những đứa con phải gánh chịu. Bố mất sớm khi em trai mới sinh được vài tháng nên từ khi 12-13 tuổi, cô đã phải theo mẹ đi làm thuê. 15 tuổi, Diện phải nghỉ học do kinh tế gia đình khó khăn. Cô lập gia đình từ năm 17 tuổi và đến nay đã có 2 đứa con gái, đứa lớn 11 tuổi còn đứa nhỏ vừa tròn 5 tuổi. Diện bảo, cô quyết định lấy chồng sớm vì nghĩ rằng sẽ có thêm người để san sẻ công việc gia đình, nhưng nếu được chọn lại, cô sẽ chọn đi học chứ không lấy chồng sớm.

Chị Đặng Thị Diện có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ

"Tôi không muốn đi lại con đường giống như bố mẹ. Tôi không muốn các con tôi có tuổi thơ vất vả như tôi trước đây. Dù cũng có nhiều người giục nên cố gắng sinh thêm một đứa con trai, nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất con trai hay con gái thì vẫn là con mình. Chúng tôi sẽ không sinh nữa mà dành tất cả điều kiện để lo cho 2 đứa con gái được học hành đầy đủ", chị Diện khẳng định.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Trên thực tế, rất nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại Văn Bàn nói riêng và ở Việt Nam nói chung đang dần có những sự thay đổi tích cực về quyền năng của mình. Thay vì phụ thuộc theo sự sắp xếp của người chồng, của gia đình hay cộng đồng, họ đã chủ động đàm phán, trao đổi và có chính kiến riêng, đặc biệt trong vấn đề kinh tế và con cái.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Bàn Vi Thị Loan, quan niệm trọng nam khinh nữ, phải đẻ con trai nối dõi dù vẫn tồn tại ở các địa phương vùng cao vốn tập trung nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nhưng thông qua các buổi tuyên truyền về bình đẳng giới, các buổi sinh hoạt thường xuyên tại câu lạc bộ phụ nữ, tỉ lệ này đã giảm đi rất nhiều.

Chị Loan cho biết, hầu hết những người phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Xa Phó… trẻ tuổi tại Văn Bàn đều không bị áp lực quá nhiều bởi những định kiến lạc hậu này mà đã biết buông bỏ những áp lực vô hình không còn phù hợp. Nhiều phụ nữ khi tham gia các lớp tập huấn do các dự án tài trợ thì lại có những tư tưởng tiến bộ hơn. Với họ, bình đẳng không nằm ở việc luôn chia đôi 50-50 công việc, trách nhiệm với người chồng mà là bất kì giới nào, dù nữ hay nam, cũng đều có quyền làm điều mình yêu thích, phù hợp với bản thân, được phát huy hết khả năng của mình.


Hoàng Oanh
Lê Hoa
03/11/2022 11:00