75 năm Ngày truyền thống của Báo PNVN: Kỷ niệm khó quên của những “cán bộ Hội cầm bút”

15:29 | 08/03/2023;
Chính là nhờ những ngày gian truân làm báo Phụ nữ Việt Nam giúp tôi trưởng thành, có nghị lực, vượt lên số phận...

Nhà báo Tô Minh Nguyệt: Cám ơn Phụ nữ Việt Nam!

Tôi về báo Phụ nữ Việt Nam cuối năm 1969 khi là cán bộ kỹ thuật nhà máy ô tô Hoà Bình. Vốn liếng chỉ có một truyện ngắn và một bài thơ nhưng tôi say mê tha thiết được đi đó đi đây. Tôi được phân công về tổ Công nghiệp và Thời sự. Toà soạn cho phóng viên trẻ cắm chốt ở nhà máy dệt 8-3, Dệt Nam Định, Điện Ninh Bình. Ăn ở cùng công nhân. 

Rồi chiến tranh lan ra miền Bắc. Tôi đi Hàm Rồng, Quảng Bình, Vĩnh Linh, vùng mỏ Quảng Ninh. Trẻ khoẻ, chưa có gia đình nên tôi đi nhẹ nhàng, hăm hở. Ngày ấy đi lại khó khăn, phải một mình xoay xở. Nhiều khi vác cả cái xe Phượng Hoàng nam nặng trĩu để đi lại cho tiện.

Ở toà soạn một số phóng viên có con thơ cũng vui vẻ gửi nhà trẻ liên tuần hoặc nhờ gia đình giúp đỡ để đi công tác xa nhà như chị Hà Nhung, Phương Huy… Chị Thu Hương chồng mới hy sinh cũng một mình đi Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi đang bị đánh phá ác liệt. 

Kỷ niệm khó quên của những “cán bộ Hội cầm bút”  - Ảnh 1.

Nhà báo Tô Minh Nguyệt tác nghiệp thực tế tại mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) năm 1970

Ở toà soạn báo Phụ nữ Việt Nam lúc đó có chị Lê Đoan Kim Phương quê miền Nam đã để con lại, vào chiến trường miền Nam; chị Dương Thị Xuân Quý quê Hà Nội, con mới 16 tháng đã nhờ gia đình trông nom, xông pha vào Quảng Nam bom đạn. Rồi 2 chị đã anh dũng hy sinh.

 Chị Dương Thị Xuân Quý để lại những trang viết thấm đẫm tình mẹ và tình yêu đất nước. Bây giờ mỗi lần nghe bài hát " Cuộc đời vẫn đẹp sao" là tôi lại nhớ tới hai mẹ con chị. Đi và học là nhiệm vụ và ước muốn của phóng viên thời đó. Tôi vừa đi viết báo vừa theo học Đại học Tổng hợp Văn. Ở Toà soạn, trong tiếng còi báo động, lớp học Anh văn vẫn diễn ra bình thường.

Tháng 7 năm 1972, tài tử Jane Fonda nổi tiếng của Mỹ sang Việt Nam. Tôi mới đi Hàm Rồng về thì được mời sang Cơ quan Trung ương Hội, Jane hỏi tôi về công việc phóng viên, về gia đình. Jane còn đến Toà soạn nhiều lần. Giữa hai lần báo động, chị thấy phóng viên vẫn tham gia lớp học Anh văn tại Tòa soạn. Chị khóc bảo: "Bom đang rơi ở Việt Nam, nhưng bi kịch lại xảy ra trên đất Mỹ". Chị đã tặng tôi tấm hình và xin hình của tôi, hẹn gặp nhau khi hoà bình.

Nhớ hồi B52 đánh Hà Nội, tôi trực chiến ở Toà soạn và đi viết về Mỹ rải thảm B52 ở Khâm Thiên ngay sau khi bom vừa dứt. Tôi vừa viết vừa khóc. Đấy là bài "Thư viết từ Hà Nội".

Tháng 3 năm 1975, tôi được cử đi miền Nam. Ngày 1/5/1975 tôi cũng có mặt tại Sài Gòn. Tôi viết "Chuyện kể về Chính uỷ lữ đoàn xe tăng" là Đại tá Bùi Văn Tùng - người soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố, chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975. Mới đây đến dự đám tang của Đại tá Bùi Văn Tùng, con gái Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2 khi xưa ôm tôi nói: "Cô là người đầu tiên viết về Bố cháu".

75 năm Ngày truyền thống của Báo PNVN: Kỷ niệm khó quên của những “cán bộ Hội cầm bút”  - Ảnh 2.

Hai nhà báo nữ Báo PNVN tìm hiểu thực tế đắp đê Nam Sách (Hải Dương) năm 1971: Nhà báo Tô Minh Nguyệt (người kéo xe) và nhà báo Thu Hương (người đẩy xe, bên trái)

Tôi thích đi viết. Chỉ là phóng viên, không có chức tước gì. May mắn là những bài báo tôi viết đều có dấu ấn một thời. Năm 1981, tôi chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh cho tới ngày nghỉ hưu nhưng vẫn tranh thủ đi viết. Tháng 12/2022 tôi ra tập sách "Thư viết từ Hà Nội" gồm truyện ngắn, truyện ký, bút ký về một thời làm báo và quan hệ Việt-Mỹ.

Trong đời thường tôi rất truân chuyên. Lấy chồng muộn, sinh con muộn, hai lần sinh đều phải mổ, không có sữa. Tôi đã vượt qua và có một gia đình hạnh phúc. Chính là nhờ những ngày gian truân làm báo Phụ nữ Việt Nam giúp tôi trưởng thành, có nghị lực, vượt lên số phận. 80 tuổi, tôi vẫn minh mẫn, bơi được 500 mét mỗi ngày, vẫn mong đi đây đi đó.

Cám ơn Phụ nữ Việt Nam! Cám ơn báo Phụ nữ Việt Nam!

Nhà báo Nguyễn Thùy Hương: Đã chọn nghề làm báo là xác định phải chịu gian khổ và hi sinh

Tình cờ một hôm tôi ngồi trên xe với chục nhà báo nữ đủ các thế hệ: già, trung niên, trẻ. Và tình cờ lại nói về chuyện nghề, chuyện đời. Thế hệ chúng tôi vào nghề từ những năm 70, khi ấy chưa có hệ thống đào tạo làm báo, mà hầu hết nhà báo học từ các trường Tổng hợp Văn và Sư phạm Văn ra. 

Hồi ấy, báo chí chưa phát triển rầm rộ như bây giờ: số đầu báo chưa nhiều, lượng phát thanh còn ít, chưa có mạng xã hội, phóng viên phải đi đến tận nơi, gặp người thật, việc thật, viết bài trên giấy và ra bưu điện gửi về toà soạn hoặc về nhà rồi viết. Chính vì thế, chúng tôi được lãnh đạo báo rèn rất kỹ: được gửi đi học các lớp nghiệp vụ làm báo, được đi thực tế dài hạn. 

Kỷ niệm khó quên của những “cán bộ Hội cầm bút”  - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Thuỳ Hương, nguyên Trưởng phòng Giáo dục - Nữ Thanh niên

Ví dụ: phóng viên viết về nông nghiệp sẽ được đưa về nông thôn làm thư kí đội sản xuất 6 tháng. Tôi viết về nữ thanh niên, được đưa về Liên hợp dệt Nam Định, ăn ở trong nhà máy, đi làm 3 ca cùng công nhân 2 tháng. Đó là những thử thách không nhỏ với tôi, nhất là khi có con nhỏ.

Hồi đó, vừa cai sữa cho con xong là tôi đi thực tế. Được 1 tháng thì nhớ con quá, tôi xin nhà máy về hai ngày thăm con (hồi ấy đi từ Nam Định về Hà Nội cũng mất nửa ngày). Tôi chạy sang chỗ nhóm trẻ đón con. Nhìn thấy tôi, con hờn dỗi quay mặt vào tường, không ra gặp mẹ. Dỗ mãi con mới chịu ra gặp mẹ, thì 2 mẹ con ôm nhau mà khóc.

Làm báo thời nay được hỗ trợ rất nhiều từ các phương tiện công nghệ nhưng đó cũng là thách thức với các nhà báo trẻ. Chúng tôi rất phục sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian, sức ép của mạng xã hội, với sự phức tạp, khó khăn nguy hiểm (nghề báo được xác định là một trong những nghề nguy hiểm tốp đầu) của các nhà báo trẻ để có được những bài viết, hình ảnh, âm thanh chân thực gửi đến bạn đọc, để xứng đáng là nơi người dân gửi gắm niềm tin.

Tôi cho rằng, đã chọn nghề làm báo là xác định phải chịu gian khổ và hi sinh. Với những nhà báo nữ, sự chịu đựng hi sinh gian khổ gấp vài lần các đồng nghiệp nam. Nhưng đổi lại, nghề báo cũng cho chúng ta sự trưởng thành, niềm vui, hạnh phúc, vốn sống dồi dào hơn bất cứ nghề nghiệp nào.

Nhà báo Đào Ngọc Liên: Thành công từ bài báo đòi quyền lợicho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

Mùa hè 2005, lúc chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu, tôi đi một chuyến công tác đến tỉnh Hoà Bình để thực hiện loạt bài điều tra qua đơn thư bạn đọc. Đó là trường hợp một bà mẹ có 4 người con nhập ngũ vào chiến trường miền Nam năm 1969. Nhưng không may 2 người con của bà mẹ đó đã hy sinh, 1 anh là thương binh, chỉ có 1 người lành lặn trở về. 

Kỷ niệm khó quên của những “cán bộ Hội cầm bút”  - Ảnh 3.

Nhà báo Đào Ngọc Liên (bút danh Hoàng Ly), nguyên phóng viên Phòng Bạn đọc

Vậy nhưng bà mẹ đó không thuộc diện được phong "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng". Mặc dù gia đình đã chia sẻ với Hội phụ nữ, với Sở LĐTB&XH tỉnh Hoà Bình hàng chục năm rồi nhưng nguyện vọng của người mẹ này vẫn không được đáp ứng.

Tôi đến nhà bà Lưu Thị Tư. Đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh người mẹ cao dong dỏng, lưng còng, đầu vấn khăn đen, áo cánh nâu, quần thâm, chân đất đi khập khiễng, cuộc sống gắn với đôi quang gánh nặng trĩu. Khi thấy di ảnh 2 liệt sỹ trẻ măng tên Bình và Việt trên ban thờ với ánh nhìn kiên định, trong sáng, tôi oà khóc như thấy mình có tội với các anh. 

Bà Tư mếu máo nén lòng lúc lâu mới nói: "Chúng nó ở đâu không biết, anh cả là thương binh và bị nhiễm chất độc da cam, giờ này vẫn đang ở trong miền Nam để lần mò đi tìm hài cốt 2 em mang về động viên mẹ lúc cuối đời. Đến giờ, gia đình tôi vẫn không rõ 2 liệt sỹ con tôi nằm ở đâu?".

Trong tập giấy tờ mục nát bà Tư còn lưu giữ từ thời kháng chiến chống Pháp, tôi nhận ra xưa kia bà là cô gái nhà giàu. Bà đã hưởng ứng "Tuần lễ vàng", ủng hộ Chính phủ Việt Nam nhiều lượng vàng để mua vũ khí, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ nhà bà, tôi đi bộ đến Sở LĐTB &XH tỉnh Hoà Bình không xa, thầm nghĩ thế mà bà không được thấu hiểu, giúp đỡ. Cả chuyện anh con trai cả là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam đã gửi đơn trình bày đến các cơ quan chức năng cũng không được ai lưu tâm. Mọi chia sẻ, thắc mắc của tôi với cán bộ Sở LĐTB&XH kéo dài vài tiếng vẫn chưa thể thoả đáng. 

Tối hôm ấy, tôi ở lại Hội LHPN tỉnh qua đêm, để hôm sau tôi chia sẻ thêm với Hội nhà, làm việc thêm với Ủy ban nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, mong có được sự phối hợp trước vấn đề mà Báo PNVN đang thực hiện.

Sau đó, bài báo "Đừng để các mẹ Việt Nam Anh hùng tủi khổ" được đăng tải, đã gây hiệu ứng dư luận rất tốt. Ít lâu sau, anh thương binh con trai bà Tư thông báo đã có giấy báo lĩnh khoản tiền chế độ chính sách "Mẹ Việt Nam anh hùng" của Mẹ Tư. Chỉ có điều, sự công nhận đến muộn khi Mẹ Tư đã qua đời cách đó mấy tháng. Nhưng dư âm của bài báo đã bảo vệ quyền lợi chính đáng của Mẹ Tư và gia đình.

Nhà báo Minh Tuấn: Làm báo, tôi trở thành "người giàu có nhất"

Tôi vẫn thường nói vui với bạn bè rằng, nhờ làm nghề báo mà tôi trở thành "người giàu có nhất". Tôi giàu những trải nghiệm, tôi giàu những sắc màu cuộc sống. Nghề báo cho tôi cơ hội được tiếp xúc, lắng nghe, trò chuyện với những người ở mọi giai tầng của xã hội, để rồi tất cả mang lại cho tôi "mẫu số chung" trong nhân sinh quan của mình, để thêm an nhiên và vững chãi trong cuộc sống.

Kỷ niệm khó quên của những “cán bộ Hội cầm bút”  - Ảnh 4.

Nhà báo Minh Tuấn, Văn phòng đại diện Báo PNVN tại TP Hồ Chí Minh

Tôi thích nghĩ đến những kỷ niệm trong nghề nghiệp như một "mảnh ghép" mang lại cho tôi sự "giàu có", hơn là từng kỷ niệm đơn lẻ. Tôi hay nghĩ về cảm xúc đã qua trong chuyến đi Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió đầy khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng cũng là nơi mà ý chí và nghị lực được hiện diện kiêu hùng nhất. 

Nơi ấy, từng con người nhỏ bé mỗi ngày vẫn bám trụ, dõi mắt qua từng con sóng dữ để giữ cho chúng ta từng ngày bình yên. Mỗi bước chân trên Đảo Sinh Tồn, An Bang, Thuyền Chài B hay nhà giàn DK1 Bãi Tư Chính… như rót vào trong tôi thêm lòng biết ơn và trân trọng cuộc sống.

Rồi cũng chính trong thực tại đời sống yên bình của đô thị, có lúc tôi lại theo chân người lao động nhập cư để ghi lại những lát cắt của cuộc sống mưu sinh đầy vất vả. Hình ảnh người phụ nữ nghèo đội nắng đội mưa bán rong giữa phố thị để nuôi ước mơ cắp sách đến trường của con mình là một mảng màu hoàn toàn với những sự kiện mang màu sắc sang trọng mà tôi được mời tham dự.

Bức tranh của nghề báo thật đa sắc, đan xen lúc trầm lắng, lúc sôi động càng khiến tôi thấy mình trầm tĩnh hơn với bộn bề cuộc sống. 20 năm gắn với nghề báo giúp tôi biết sống chậm lại, biết gạt đi những cảm giác bi lụy hay chùn bước trước gian nan, trong những chặng đường đời mà nghề dẫn lối cho tôi đi qua, để mỗi ngày, tôi lại thấy mình "giàu có" hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn