Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam

PGS.TS Trần Nam Tiến
08/03/2023 - 08:00
Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam

Báo phụ nữ Việt Nam đến với chiến sĩ ở Trường Sa

Sau một thời gian chuẩn bị, Báo Phụ nữ Việt Nam ra mắt số đầu tiên năm 1948. Tờ báo in tipô, khổ nhỏ, tổng cộng có 6 trang.

Năm 1918, tờ báo Nữ giới chung ra đời, được xem là tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ, mở đầu cho sự phát triển của dòng báo nữ ở Việt Nam. Trước năm 1945, có nhiều tờ báo dành cho giới nữ cũng xuất hiện nhưng phần lớn các tờ báo này chỉ phát hành được khoảng 10 số rồi đa số tự đình bản.

Từ tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam và ra nghị quyết vì việc thành lập một hội chính thức cho phụ nữ Việt Nam. Trên cơ sở đó, phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công có sự đóng góp tích cực của các lực lượng nữ giới trong cả nước. 

Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 1.

Anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân (1921-1949) - Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, người có vai trò quan trọng cho sự ra đời của báo Phụ nữ Việt Nam năm 1948

Từ tháng 4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập ngay một tổ chức phụ nữ tập hợp rộng rãi các thành phần phụ nữ trong xã hội. Sau một thời gian vận động, ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm lễ ra mắt tại Nhà hát Thủ đô (Hà Nội) với sự tham gia của nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức trụ cột, lãnh đạo phong trào phụ nữ trong cả nước.

Thời gian đầu, cơ quan Phụ nữ Trung ương vẫn tiếp tục sử dụng tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ làm cơ quan ngôn luận của Hội. Bên cạnh đó, tờ báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, cũng dành một trang hằng tuần để đăng các thông tin của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), cơ quan Phụ nữ Trung ương cùng các cơ quan của Trung ương chuyển lên Chiến khu Việt Bắc. 

Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 2.

Bìa tờ báo số 1 năm 1955, chính thức phát hành trở lại sau một thời gian đình bản

Trong quá trình làm việc với cơ quan Phụ nữ Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở "Phụ nữ nên ra một tờ báo riêng". Thực tế, ý của Bác cũng là nguyện vọng của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan Phụ nữ Trung ương, lúc này cũng đang muốn tổ chức một tờ báo riêng làm cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thay cho tờ Tiếng gọi Phụ nữ đã đình bản từ tháng 3/1946.

Ngày 8/3/1947, cơ quan Phụ nữ Trung ương đã chính thức đề ra chủ trương phải cho ra đời một tờ báo tay riêng của Hội. Năm 1948, bà Hoàng Ngân, Hội trưởng Phụ nữ Liên khu III về Việt Bắc để làm lãnh đạo cơ quan Phụ nữ Trung ương, đã đẩy mạnh việc cho ra đời tờ báo riêng làm cơ quan ngôn luận của Hội. 

Về mặt tổ chức, bà Hoàng Ngân sẽ làm Chủ nhiệm tờ báo; Ban biên tập gồm các bà Bội Hoàn, Anh Thơ, Thanh Thủy, Tâm Trung và Nguyệt Tú; bà Bội Hoàn (tức Tâm Kính) được cử làm thư ký tòa soạn. Sau một thời gian chuẩn bị, báo Phụ nữ Việt Nam ra mắt số đầu tiên năm 1948. Tờ báo in tipô, khổ nhỏ, tổng cộng có 6 trang. 

Sau Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất (4/1950), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã định hướng nội dung và tổ chức tờ báo để tuyên truyền và lãnh đạo phong trào phụ nữ, đồng thời giáo dục hội viên, định hướng các cấp Hội coi tờ báo là cơ quan ngôn luận của mình.

Từ năm 1952, báo Phụ nữ Việt Nam quyết định cho ra đời thêm một ấn phẩm mới là tờ tạp chí Phụ nữ Việt Nam. Hai tờ hướng đến phục vụ hai đối tượng với hai nội dung khác nhau. Tờ báo Phụ nữ Việt Nam dành cho chị em ở vùng nông thôn. Tờ tạp chí Phụ nữ Việt Nam hướng đến đối tượng là chị em cán bộ, công nhân viên chức, tiểu thương, nội trợ ở thành thị và các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, đến năm 1954 hai tờ Phụ nữ Việt Nam phải đình bản vì lý do chiến tranh.

Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 3.

Tờ báo Xuân năm 1957 - tờ in màu đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam

Năm 1955, báo Phụ nữ Việt Nam xuất bản trở lại trong bối cảnh miền Bắc đã hoàn toàn được giải phóng, xây dựng và phát triển đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn 1955-1975, báo Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn các cấp Hội, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bên cạnh đó, tờ báo cũng tích cực tuyên truyền, giáo dục đường lối quan điểm công tác phụ vận của Đảng, các chủ trương công tác Hội, động viên chị em phụ nữ ở cả hai miền tích cực cống hiến cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn 1955-1957, tờ Phụ nữ Việt Nam bắt đầu xuất dạng khổ to, phát hành 1 tuần/1 số. Từ năm 1957, báo phát hành mỗi tháng 1 số, khổ 24,5 x 34,5cm, tổng cộng 16 trang. Từ năm 1960, báo chuyển sang khổ 18,5 x 25cm, số trang cũng tăng lên 36 trang. Ngày 02/01/1973, báo Phụ nữ Việt Nam bắt đầu phát hành hàng tuần, 27 x 38cm, trong khuôn khổ 16 trang.

Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 4.

Tờ báo in phát hành trong tháng 10/1959 với hình thức mới

Ở miền Nam Việt Nam, từ sau phong trào Đồng khởi (1960), cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Trước yêu cầu mới, ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập nhằm đoàn kết, tập hợp phụ nữ miền Nam trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Đầu năm 1963, báo Phụ nữ giải phóng chính thức ra đời, là cơ quan ngôn luận của Hội Liên Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, phản ánh phong trào phụ nữ sôi nổi thi đua đánh Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1976, Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giải phóng miền Nam Việt Nam đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, báo Phụ nữ giải phóng chính thức hợp nhất với báo Phụ nữ Việt Nam.

Năm 1980, báo Phụ nữ Việt Nam chuyển sang khổ to 28,5 x 41,5cm. Trong hai năm 1990-1991, tờ báo thay đổi số trang, từ 16 xuống còn 8 trang. Sang năm 1992, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mở rộng quy mô phát triển của tờ báo với sự ra đời ấn phẩm Hạnh phúc Gia đình (1 số/tuần). 

Tiếp đó, ấn phẩm Thế giới phụ nữ bản in đen trắng cũng chính thức ra đời năm 1995 (1 số/tháng); đến năm 1997 thì ấn phẩm chuyển sang in màu với thiết kế đẹp. Thời điểm đó, ấn phẩm Thế giới phụ nữ trở thành một hiện tượng của làng báo Việt Nam thời kỳ đổi mới, thể hiện rõ nét xu thế đổi mới của giới báo chí Việt Nam theo hướng hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Ngày 31/3/1999, Đoàn Chủ tịch ra Quyết định số 65/QĐ-ĐCT sáp nhập Bộ phận Báo Đối ngoại - Ban Quốc tế Trung ương Hội vào báo Phụ nữ Việt Nam từ ngày 1/4/1999. Sự kiện này góp phần tạo cơ sở cho báo Phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam lúc đó.

Năm 2009, báo Phụ nữ Việt Nam phát hành chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi (2 số/tháng). Tiếp đó, báo Phụ nữ Việt Nam đối ngoại chính thức phát hành 3 tháng/kỳ bằng tiếng Anh, với mục tiêu phục vụ cho các tổ chức, cá nhân quốc tế quan tâm tới Việt Nam và phụ nữ Việt Nam, góp phần tuyên truyền quá trình đối ngoại, trực tiếp là quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 5.

Báo PNVN ra mắt báo Phụ nữ Việt Nam điện tử với tên miền https://phunuvietnam.vn

Ngày 31/3/2015, Trang thông tin dành cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài chính thức được hòa mạng với tên miền www.pnvnnuocngoai.vn. Trong bối cảnh báo chí chuyển đổi mạnh mẽ, ngày 26/12/2015, báo Phụ nữ Việt Nam điện tử chính thức ra mắt đọc giả Việt Nam với tên miền http://www.phunuvietnam.vn.

Những tư liệu, giá trị và đóng góp của Báo Phụ nữ Việt Nam trong nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 6.

PGS.TS Trần Nam Tiến hiện là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM. Ông là tác giả (sưu tầm và biên soạn) cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam - những sự kiện đầu tiên và nhất" - NXB án hành năm 2007.

Có thể nói, tờ báo Phụ nữ Việt Nam đại diện cho các tầng lớp phụ nữ cả nước gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình để phản ánh trước công luận. Tờ báo không chỉ đề cập đến những vấn đề của phụ nữ mà mở rộng phạm vi ra các vấn đề chung của gia đình Việt Nam và của toàn xã hội. Các ấn phẩm của báo Phụ Nữ Việt Nam thể hiện giàu bản sắc giới, đậm tính nhân văn, sáng tạo… 

Nhìn lại lịch sử, báo Phụ nữ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, và không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của tờ báo mang thương hiệu Phụ nữ Việt Nam 75 năm qua. Đặc biệt, trong thời kỳ Đổi mới, báo Phụ nữ Việt Nam còn góp phần giải quyết các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay. 

Với những đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 187-KT/CT ngày 6/3/1998, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho báo Phụ nữ Việt Nam.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm