pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Báo PNVN: Làm báo thời chiến
Đoàn công tác của Báo PNVN trong chuyến công tác vào chiến trường miền Nam tháng 1/1975
Chuyện của phóng viên đất Bắc vào chiến trường miền Nam
Nhà báo Hà Thị Hồng Nhung (bút danh Hà Nhung), nguyên Phó Tổng biên tập Báo PNVN, người đã dành hơn 40 năm cuộc đời để theo nghề báo từ thời chiến đến thời bình. Với bà, thời gian làm phóng viên vẫn là giai đoạn nhiều kỷ niệm nhất.
"Thời nào cũng vậy thôi, phóng viên là công việc gian khổ, nữ phóng viên lại càng nhiều khó khăn hơn. Có thể so sánh người làm báo gần như người thợ khai thác mỏ, trải qua nhiều nguy hiểm. Nhưng yêu nghề sẽ vượt qua được. Tôi vẫn cảm thấy thời gian làm phóng viên là lúc thấy cuộc đời vui lắm. Khi bước chân vào làm báo tôi đã gặp chiến tranh rồi. Đối mặt với cái khổ ngay từ đầu nên tôi không còn thấy khổ", nhà báo Hà Nhung chia sẻ.
Nhà báo Hà Nhung nhớ lại, khi làm Báo Phụ nữ Việt Nam, bà được phân công phụ trách mảng tin tức miền Nam trên báo. Nội dung của trang thường viết về các nữ dũng sĩ diệt Mỹ, phụ nữ tham gia Đồng Khởi, hoạt động vừa sản xuất vừa chiến đấu của phụ nữ miền Nam…
Một trong những kỷ niệm thời chiến mà bà nhớ nhất là chuyến công tác tới chiến trường miền Nam vào tháng 1/1975. Thời điểm đó, Báo PNVN tổ chức một chuyến xe đưa phóng viên gồm 5 người vào Nam tác nghiệp, thời gian hơn 4 tháng. Xe của báo đi theo đoàn của bà Nguyễn Thị Định, lúc đó là Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam.
"Xe của báo là chiếc u- oát đi sau cùng để không bị lạc đường và thoát hiểm an toàn. Nhiều đoạn, xe vừa đi qua là bom dội sau lưng. Hay có những đoạn xuống dốc tưởng chừng như dựng đứng, tất cả mọi người trên xe lúc đó tim như rớt ra ngoài. Đoàn chủ yếu đi ban đêm để tránh bị địch thảm bom B52. Đoàn chúng tôi đi suốt mười mấy ngày, dọc Trường Sơn mới đến rừng R, nơi đóng quân của Hội LHPN Giải phóng miền Nam", bà Hà Nhung kể.
Theo nhà báo Hà Nhung, trong chuyến đi đó, đoàn công tác của bà gặp nhiều may mắn, được người dân thương và bảo vệ. "Nhớ một lần, chúng tôi đang ngồi ăn khoai lang thì có người tới báo tin lính địch sắp đi qua. Chúng tôi được người dân hướng dẫn núp vào trong buồng (phòng). Địch ghé hỏi "Có ai lạ đi qua không", người dân nói chỉ nói là "Có mấy người bà con thôi, không ai lạ hết".
Đi làm mà đêm về nhớ con kinh khủng, con tôi lúc đó mới có 4 tuổi. Nhưng vì công việc chung, mình phải cố gắng”.
Nhà báo Hà Nhung, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam
Nhờ vậy, chúng tôi mới có thể ở đó làm việc. Hay lúc đi từ Tây Ninh về Mỹ Tho (Tiền Giang), tôi và chị Minh đồng nghiệp phải đi bộ hơn 100km trong 15 ngày. Có những đoạn đường, lực lượng du kích hỗ trợ trải nilon để mình đi qua và không để lại dấu chân, tránh bị địch phát hiện".
Theo dòng kể của cựu phóng viên chiến trường năm xưa, trang thiết bị của người làm báo thời đó chỉ có quyển sổ và cây bút. Càng khó khăn thì người phóng viên càng quyết tâm và sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Quy trình tác nghiệp thời chiến nhiều vất vả và gian khó.
"Ngày xưa làm gì có điện thoại, máy tính xách tay hay gửi email như bây giờ. Nhiều lúc đi chiến trường, không có máy đánh chữ, phóng viên phải gửi bản chép tay về tòa soạn. Gửi bản chép tay phải viết lại lần 2 cho sạch đẹp, để người đánh máy ở tòa soạn không đọc sai. Muốn gửi bài đi thì tìm mọi cách có thể, biết được ai đi ra Hà Nội thì tranh thủ gửi đi. Ngoài kia, ban biên tập đánh lại hoặc sửa lại, bài được duyệt thì mang ra nhà in, xếp chữ để in…", nhà báo Hà Nhung nhớ lại.
Làm báo ở chiến khu
Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam thành lập. Không lâu sau đó, Báo Phụ nữ Giải phóng ra đời giữa những ngày Đồng khởi rực lửa khắp miền Nam. Tờ báo ra đời năm 1961 để nói lên tiếng nói của Hội, động viên phong trào, vận động chị em phụ nữ tham gia chiến đấu, phản ánh cuộc sống chiến đấu của phụ nữ, đồng bào miền Nam…
Trong những năm tháng chiến tranh, tờ báo gắn liền với quá trình đấu tranh sôi nổi của Hội. Còn chị em làm báo ngay trên đường hành quân, dưới lều tăng dã chiến hay giữa làn đạn tầm pháo của kẻ thù, nhiều lúc báo in dưới nhà hầm sâu.
Họa sĩ Đặng Ái Việt – người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động khi dành thời gian hơn 10 năm trời đi khắp mọi miền đất nước ký họa chân dung hàng ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng - từng làm báo Phụ Nữ Giải Phóng từ năm 17 tuổi ở chiến khu. Bà vừa là họa sỹ vừa là du kích của cơ quan, vừa là thợ mộc, vừa vẽ, vừa khắc luôn bản gỗ để in báo đồng thời kiêm luôn vị trí phóng viên viết bài cho những mục ngắn.
Bà kể: Báo Phụ Nữ Giải phóng ra đời những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ nơi rừng sâu, mọi thứ đều thiếu thốn. Dẫu khó khăn, tờ báo vẫn ra mắt bạn đọc, theo chân cán bộ đi phá ấp chiến lược, đi tải đạn nuôi quân trên khắp các chiến trường. Cơ quan làm việc của báo không có địa điểm cố định, trụ sở đóng ở Tây Ninh nhưng khi giặc càn tới phải dời địa điểm, tòa soạn di chuyển liên tục.
Chia sẻ về những kỷ niệm làm báo thời chiến, họa sỹ Đặng Ái Việt nhớ lại: "Làm báo trong rừng ngày xưa nhiều khó khăn và vất vả, nhiều lúc tôi phải đạp xe ban đêm hơn 30 cây số từ 3 giờ chiều đi từ cơ quan Hội Phụ nữ Giải phóng đến chỗ nhà in để hôm sau in báo. Những năm tháng đó, đa phần tôi phải ngủ ở rừng.
Trong chiến tranh, người làm báo không có phân biệt rạch ròi từng khâu. Bản thân tôi là họa sỹ vừa vẽ minh họa, vừa khắc gỗ để in, tự đi in, sửa mo – rát. Tôi không tham gia viết những bài lớn hay các bài xã luận nhưng viết những mẩu chuyện ngắn ngắn, nho nhỏ góp phần làm phong phú trang báo".
"Số báo Phụ nữ Giải phóng đầu tiên ra đời đúng ngày 1/6/1961. Tờ báo là một tập pơ-luya đánh máy, mang niềm tự hào là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Qua mỗi kỳ, tờ báo đều được sửa sang chỉn chu và đẹp hơn. Mỗi cán bộ của Trung ương Hội đều có bài viết cho báo. Báo Phụ nữ Giải phóng được đưa đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung Nam bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thỉnh thoảng về tận rừng U Minh Cà Mau. Có một số được đưa ra miền Bắc và ra nước ngoài. Trên quãng đường dài chống Mỹ, báo Phụ nữ Giải phóng trải qua nhiều bước thăng trầm, gắn liền với quá trình chiến đấu sôi nổi của Hội".
Biên niên lịch sử Hội LHPN Việt Nam - tập 1 (1930 – 1975)
Theo họa sĩ Đặng Ái Việt, trong kháng chiến, khổ báo Phụ nữ Giải phóng bằng tờ A4 hiện nay, độ dày nhiều nhất là 50 trang. Báo không in dày để vận chuyển cho dễ dàng. Báo chọn in những bài viết hết sức là súc tích. Chủ đề của báo mang đặc trưng thời sự của miền Nam lúc bấy giờ, là vận động phụ nữ tham gia trực tiếp vào chiến tranh, tức là đánh giặc và đấu tranh trực diện.
"Làm báo trong thời chiến với tôi mỗi ngày là một kỷ niệm, một ký ức hào hùng theo tôi đến suốt cuộc đời. Cuộc chiến đã rèn cho con người sự dũng cảm, sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ. Đó là lý do mà nhiều người hỏi tôi tại sao đã 75 tuổi mà vẫn còn đi vẽ được. Chiến tranh càng gian nan thì càng không chùn bước. Thời đó, người phụ nữ cũng vùng lên, cùng với tổ chức Hội, ai cũng có nhiệm vụ riêng, chứ không thể ngồi khóc", họa sỹ Đặng Ái Việt nở nụ cười đôn hậu...
** *
Sau ngày miền Nam được giải phóng, thực hiện "Nghị quyết Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc ngày 12/6/1976", báo Phụ nữ Giải phóng hợp nhất với báo Phụ Nữ Việt Nam. Ngày 16/6/1976, Ban Thường vụ Trung ương Hội LHPN Việt Nam ra Nghị quyết số 36/NQ "thành lập Phòng Liên lạc tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh", những người làm báo Phụ nữ của 2 miền Nam – Bắc về chung một nhà để chung nhau góp phần xây dựng đất nước thời kỳ hậu chiến.