“Thư gửi từ Hà Nội” nhớ một thời bom rơi trên hè phố Thủ đô

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải
08/03/2023 - 11:40
“Thư gửi từ Hà Nội” nhớ một thời bom rơi trên hè phố Thủ đô

Từ phải sang: Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, nhà báo Tô Minh Nguyệt, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi giao lưu ra mắt sách

Từ cuộc đời thật ấy, nay đọc sách “Thư gửi từ Hà Nội”, thấy khâm phục chị, tự hào, thương nhớ ngày qua…

* Nhân dịp cả nước kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022), NXB Phụ nữ phát hành cuốn sách "Thư gửi từ Hà Nội" gồm một số truyện ký viết sinh động của nhà báo Tô Minh Nguyệt - nguyên phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, người từng lăn lộn tác nghiệp trong những năm tháng đó.

Người lớn tuổi đã qua chiến tranh sẽ được nhớ lại ngày ấy từ hậu phương dõi theo con em đi chiến trường, người ở lại đã cật lực sản xuất chiến đấu, sơ tán nuôi dạy con, chịu biết bao gian khổ. Trong sách, tác giả có cái nhìn tinh tế về một thời xã hội trong lành: "Không trộm cướp. Không ai ăn xin. Không ai nỡ ăn uống một mình. Trẻ mồ côi, người già có hàng xóm xúm vào giúp".

Những người trẻ tuổi đọc tập truyện ký ghi chép sống động này cũng sẽ ngạc nhiên tự hỏi: Nguồn sức lực nào khiến họ phi thường đến vậy mà lại luôn thấy mình bình thường?

Chúng ta sẽ được thấy cô giáo bị bom cưa cụt tay ngày đêm học viết tay trái để có thể theo nghề và học sinh hồn nhiên giơ tay tưởng phát biểu gì về bài học nhưng hóa ra chỉ nói chân thật: "Em thương cô lắm ạ".

“Thư gửi từ Hà Nội” nhớ một thời bom rơi trên hè phố Thủ đô - Ảnh 1.

Nhà báo Tô Minh Nguyệt ký tặng sách cho bạn đọc

Bút ký "Đi học trong tầm súng" kể về những người vừa sản xuất vừa chiến đấu vừa đi học lên đến tiến sỹ như Thiều Hoa. Chuyện Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thân vốn từ công nhân nhà máy dệt, học đại học Bách khoa và thành Giám đốc nhà máy….

Nhưng trong sách, mảng ấn tượng sâu đậm nhất là những bài viết, lá thư dùng chất liệu từ chính cuộc sống thật của nhà báo Tô Minh Nguyệt.

* Những nhà báo Hà Nội ngày đó nhiều người biết đến nữ phóng viên Tô Minh Nguyệt của Báo Phụ nữ Việt Nam gan dạ, xông pha trong lửa đạn trong những ngày Hà Nội đánh Mỹ. Chị sống ở làng Láng, có các anh em trai đều đi chiến trường nên những lá thư mang sức rung động mạnh. 

Cảnh cha chị - ông giáo già đêm đêm trong tiếng còi báo động và đạn bom vẫn âm thầm dò trên bản đồ dấu chân của các con trai ngoài mặt trận. Và Hùng, người em trai trẻ trung đã ngã xuống ở chiến trường. Trước ngày hy sinh, trong căn hầm bom rung ở Huế, Hùng viết thư cho chị, báo tin vui mừng bất ngờ "gặp" chị qua những bài báo chị viết được đọc trên đài phát thanh.

Ngày xưa mịt mù, con em ra đi không tin tức đằng đẵng, được biết chuyện nhà, nghe bài viết của chị qua đài giữa mặt trận… Điều thiêng liêng ấy, bạn trẻ đọc sẽ hiểu hơn khi liên hệ thực tại bây giờ: con đi du học, làm ăn ở tận cùng trời đất vẫn có thể nói chuyện, nhìn thấy nhau hàng ngày qua Internet. Ngày ấy, đưa con ra cửa, ra đầu làng, lên xe chuyển quân là thôi, không tin tức, có khi là vĩnh biệt...

Khi máy bay B52 đánh phá khốc liệt vào tháng 12/1972 , Tô Minh Nguyệt viết "Thư gửi từ Hà Nội" cho em trai bộ đội chiến trường. Chị kể về chiến đấu, sơ tán, về hồ Hale, về làng Láng, về phố Khâm Thiên nhà bị trúng bom như những cái ao...; 

chị tả Hà Nội trời đỏ lửa can trường, dưới đất bom rơi đạn nổ, bà con vẫn kéo đi lùng sục trong các phố đổ nát để tìm phi công Mỹ bị bắn rơi nhảy dù xuống; chị kể các lớp tiếng Anh cho phóng viên tòa báo của mình vẫn học sau khi ngớt còi báo động… Mọi người đều cố gắng trong mọi việc.

Trong sách, có một bài khá đặc biệt "Tấm hình tuổi 20", Tô Minh Nguyệt kể kỷ niệm đời làm báo, mình được gặp và làm việc với nữ minh tinh điện ảnh Mỹ: Jane Fonda khi đó sang tìm hiểu cuộc chiến đấu của Việt Nam. Jane đã gặp, đã khóc trước thực tế mất mát và sự anh dũng hy sinh của Việt Nam mà chỉ sang đây mới biết được.

* Tôi - người viết bài này - cùng là đồng nghiệp với Tô Minh Nguyệt ngày đó, cùng học tiếng Anh một lớp mà chị tả - do thầy Bùi Ý đến Tòa báo dạy. Tôi chứng kiến chị thật xinh đẹp, thật xông xáo đi đến những nơi bom rơi, đạn nổ khắp các tỉnh/thành. Chị về đồng quê, trèo lên trạm khí tượng trên núi, nhọ nhem chui dưới hầm cùng thợ mỏ than Quảng Ninh… Thời sống lý tưởng đẹp nhất của chị.

Từ cuộc đời thật ấy, nay đọc sách "Thư gửi từ Hà Nội", thấy khâm phục chị, tự hào, thương nhớ ngày qua. Thấy lại ngày xưa đói khổ mà sống đẹp biết bao. Không ai ích kỷ mà cùng vượt qua đau thương, mơ giấc mơ lớn một đất nước Hòa bình, Thống nhất.

Đất nước ta tự hào có cả lứa đông những nhà báo xả thân cả nơi tiền tuyến và hậu phương. Họ viết sách báo từ các chiến trường, giữ cho lịch sử những sự kiện và bao câu chuyện thật sống động của người Việt…


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm