Những năm gần đây, nhiều vùng miền núi đang hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với nhiều loại nông sản, cây trái mang lại giá trị kinh tế cao. Người dân tham gia các mô hình liên kết, từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thông qua các mô hình hợp tác xã đang là nhu cầu tất yếu tại nhiều vùng miền núi, vùng đân tộc thiểu số.
Việc xây dựng và phát huy vai trò của các hợp tác xã đã và đang giúp nông dân miền núi thay đổi chính mình, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp gia tăng giá trị kinh tế cho người dân. Bà Lê Thị Huệ, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hợp, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), cho biết: HTX Tân Hợp được thành lập từ 2018 với mục tiêu tìm tòi, thử nghiệm phát triển những loại cây trồng mới ở vùng đất này. Sau một thời gian trồng chanh leo thấy có giá trị kinh tế cao, bà đẩy mạnh liên kết với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo. Trên cơ sở đầu ra ổn định, HTX mở rộng phát triển vùng nguyên liệu, thu hút hơn 70 hộ dân trong huyện liên kết sản xuất. Mỗi năm, HTX thu mua, tiêu thụ khoảng 2000 tấn chanh leo.
Gia đình chị Hoàng Thị Phương là một trong những hộ tham gia liên kết với HTX Tân Hợp. Chị Phương cho biết: Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất này, các hộ dân được đầu tư cây giống và các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch được HTX thu mua tận nhà. Bà con không còn thấp thỏm lo âu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm hay rơi vào cảnh "được mùa, mất giá" như thường thấy.
Tại hội nghị mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Trong phát triển thương mại miền núi, hải đảo, Vụ Thị trường trong nước là một đầu mối kết nối, không chỉ về cung - cầu, mà còn kết nối để xây dựng những mạng lưới hỗ trợ phát triển và tiêu thụ hàng hoá. Mạng lưới đó với rất nhiều doanh nghiệp chung tay, cùngcác cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, và đặc biệt sự hưởng ứng từ các địa phương, hệ thống phân phối, hệ thống thương mại điện tử lớn.
Đặc biệt, thông qua nhiều chương trình mới được ban hành như Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, trong đó có dòng hàng OCOP đến từ những địa bàn khó khăn, vùng nông thôn, miền núi… đã được hỗ trợ về marketing ở quy mô quốc gia hay cấp tỉnh. Đồng thời được hỗ trợ đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối phối lớn cho đến những cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng nhỏ, để mọi người có thể tiếp cận và mua được.
Trong thời gian tới, theo bà Lê Việt Nga, việc đẩy mạnh sản xuất cũng như thương mại ở khu vực miền núi, hải đảo, rất cần có những sáng tạo hơn nữa. Đặc biệt là sự kết nối giữa vai trò các cơ quan của Trung ương với vai trò các Sở Công Thương, chính quyền địa phương trong việc kết nối, tổ chức được hệ thống thương mại văn minh, hiện đại. Cùng với đó, cần có những phương thức mới hơn nữa trong việc tiêu thụ hàng hóa; tăng cường sự kết nối giữa các hệ thống phân phối lớn, doanh nghiệp có thế mạnh của Việt Nam với các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ của các đại phương.
Ngoài ra, để phát triển thương mại miền núi, cần có sự phát triển về hạ tầng thương mại và các dịch vụ đi kèm như: tài chính, các dịch vụ logistics, công nghệ thông tin, nhiều dịch vụ khác... Những vấn đề này rất cần sự chung tay của các bộ ngành để tạo ra sự phát triển đồng bộ, thúc đẩy thương mại vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn