pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thương mại miền núi: Chung tay hỗ trợ phụ nữ mở rộng kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm
Đồng hành hỗ trợ phụ nữ kết nối, quảng bá sản phẩm
Tại một hội nghị tôn vinh điển kinh kinh doanh giỏi mới đây, chị Nguyễn Thị Thảo, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, chia sẻ quá trình 5 năm nỗ lực bền bỉ, gia đình chị đã gây dựng được thương hiệu cà phê Thảo Hiên. Con đường làm cà phê sạch bằng cách xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín, từ trồng trọt, thu hái, sơ chế, bảo quản, rang xay, đóng gói và đưa ra thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ. Trong các khâu từ sản xuất đến "đầu ra" của sản phẩm, theo chị Thảo, bên cạnh khâu chế biến phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, để phát triển bền vững, cần đặc biệt chú trọng đến xây dựng thương hiệu, nỗ lực xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Cùng với đó cần phải đa dạng "đầu ra" cho sản phẩm. Ngoài cung cấp cho các hệ thống siêu thị, tạp hoá trên địa bàn, cơ sở kinh doanh cà phê, chị còn mày mò tìm hiểu và bán hàng qua website; tận dụng các mạng xã hội như facebook, Zalo và các điểm dịch vụ du lịch để mở rộng thị trường, sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn.
Bên cạnh những nỗ lực không ngừng để sản phẩm hàng hoá của mình chiếm lĩnh được thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng, nhiều chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ rất cần có sự đồng hành của các cấp, ngành. Đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, họ rất cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất và phân phối, giúp sản phẩm có thể tiến nhanh và đi xa được.
Theo đó, phần lớn chị em phụ nữ mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục triển khai các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm vùng miền của các doanh nghiệp.
Thực tế những năm gần đây, nhờ việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hoạt động kinh tế thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể. Hoạt động sản xuất nơi đây đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước; như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã…
Tận dụng công nghệ mở rộng, kết nối thị trường miền núi
Trong bối cảnh công nghệ phát triển hiện nay hỗ trợ rất đắc lực cho việc mở rộng, kết nối thị trường vùng miền núi, theo ông Nghiêm Tuấn Anh, đại diện sàn thương mại điện tử Postmart.vn, việc trang bị kỹ năng ứng xử trên môi trường số cho người nông dân, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là hết sức quan trọng. Đặc biệt, cần hỗ trợ, đào tạo để bà con có cách thức đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, và trang bị được các kỹ năng trên môi trường số: Từ lựa chọn mẫu mã, bao bì, tạo ra thương hiệu riêng cho từng hợp tác xã, hộ nông dân; cung cấp các quy trình sản xuất về sản phẩm, qua đó đưa sản phẩm đến người tiêu dùng và mở cửa cho nông sản vươn ra thị trường quốc tế.
Nhận định về kết quả các chương trình hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp, Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, cho rằng: Thông qua việc kết nối các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đã và đang định hình vùng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Để phát triển thương mại khu vực này mạnh mẽ hơn nữa, theo bà Nguyễn Thị Hương, cần phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, hiệu quả. Cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu với thông tin cho nông sản vùng dân tộc và miền núi, hải đảo; Xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên, liên tục, có tính điều phối vùng miền để phát triển thương mại miền núi, hải đảo bền vững.