pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần lồng ghép giới trong các chính sách thuận lợi hóa thương mại
Ảnh minh hoạ: Internet
Hội thảo "Vai trò phụ nữ trong tạo thuận lợi thương mại" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan phối hợp tổ chức tại Hà Nội đã giới thiệu một số nghiên cứu gần đây về bình đẳng giới; trao quyền kinh tế cho phụ nữ; phụ nữ trong quá trình tạo thuận lợi thương mại dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ - cho biết, sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế với tư cách là chủ doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng đã được chứng minh dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững và mạnh mẽ hơn.
Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company ước tính, nếu vai trò của phụ nữ trên thị trường lao động giống với nam giới, thì tổng sản phẩm quốc nội chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 12%, lên 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Trên thực tế, tỷ lệ tương đối thấp của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo trên toàn cầu càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, chỉ 1/4 lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị là phụ nữ.
Bà Lê Thị Ngọc Liên - chuyên gia về bình đẳng giới và kinh tế của dự án cho rằng, thương mại điện tử, tự động hóa, công nghệ số có thể tạo nhiều cơ hội để phụ nữ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường thương mại. Tuy nhiên, số đông phụ nữ gặp thách thức đáng kể để bắt kịp cơ hội này. Họ thiếu phương tiện, kỹ năng sử dụng công nghệ, đặc biệt là thiếu mạng lưới đối tác, bạn hàng chia sẻ thông tin. Theo một khảo sát của dự án, chỉ có 15% doanh nghiệp do nữ làm chủ tham gia vào một hiệp hội ngành hàng hoặc một hiệp hội chung.
Bà Lê Thị Ngọc Liên cho rằng, các chính sách thuận lợi hóa thương mại cần được lồng ghép giới, đặt ra các mục tiêu liên quan đến giới; các chính sách hỗ trợ, sáng kiến thương mại của Chính phủ cần có tiếng nói của cả phụ nữ và nam giới để bảo đảm sự bình đẳng và công bằng trong tiếp cận nguồn hỗ trợ công, cần thu thập các số liệu có phân tách hai giới cụ thể. Hiện không có các số liệu phân tách này, các chính sách cũng dựa trên nền số liệu chung, mà những số liệu đó có lợi cho nam giới nhiều hơn là nữ giới.
Trong khuôn khổ hội thảo, các nữ lãnh đạo tiêu biểu trong ngành Hải quan, cơ quan chính phủ và từ 50 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã cùng nhau thảo luận về phương thức tiếp cận để đảm bảo cơ hội bình đẳng trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, những tác động của đại dịch Covid-19 đặc biệt là với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.