Thực hiện lồng ghép giới thông qua tiêu chí nông thôn mới

Bài, ảnh: An Khê
15/11/2021 - 22:08
Thực hiện lồng ghép giới thông qua tiêu chí nông thôn mới

Bà Đoàn Thanh Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Văn phòng Quốc hội - phát biểu tại Hội thảo

Ngày 15/11 tại Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo tham vấn nội dung lồng ghép giới vào bộ tiêu chí Nông thôn mới và dự thảo nội dung sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình môi trường quốc gia giai đoạn 2021- 2025”, do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UN Women thực hiện.

Chương trình "Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới" và chương trình "Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững" đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giai đoạn 2016 -2020, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống người vùng nông thôn, các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả to lớn, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn dai dẳng ở vùng nông thôn, nhất là các huyện nghèo, xã nghèo. Gánh nặng công việc gia đình, các công việc chăm sóc không lương cản trở cơ hội tiếp cận bình đẳng của phụ nữ. Đặc biệt, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn phổ biến và ở mức đáng lo ngại.

Xây dựng văn hóa con người trong nông thôn mới - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Ban Gia đình & Xã hội - TƯ Hội LHPN Việt Nam, phát biểu

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Ban Gia đình & Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho rằng, muốn các nghị quyết của quốc hội đi vào thực tế và bình đẳng giới là thực chất thì các văn bản triển khai của chính phủ phải thực hiện lồng ghép giới. Thời gian qua, nội dung cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong tương lai, nội dung xây dựng gia đình "5 có" sẽ được đề cập tới ở các địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Muốn kinh tế phát triển bền vững thì cần xây dựng văn hóa con người, cộng đồng làng xã, văn hóa gia đình Việt Nam trong nông thôn.

Theo bà Đoàn Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, các chính sách đào tạo, bồi dưỡng hướng tới đối tượng nữ giới rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ, tạo điều kiện từ phía gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức nhưng trong thực tế, tư tưởng định kiến giới vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn. Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thì vấn đề then chốt bắt đầu từ sự chuyển biến nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của người phụ nữ. Do đó, việc đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới ngay từ cấp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học là hết sức quan trọng.

Bà Mai cũng đưa ra đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc nội dung về nhóm tiêu chí liên quan đến lao động – việc làm trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Phó Giám đốc Trung tâm chính sách Nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT), tiêu chí NTM là công cụ để thúc đẩy thực hiện lồng ghép giới có thể gắn trực tiếp vào nội dung tiêu chí hoặc quy định chi tiết của các bộ, ngành để hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả hoàn thành tiêu chí. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nhiều tiêu chí quy định từ Trung ương mà nên phân cấp cho cấp tỉnh quy định cụ thể.

Tại hội thảo, đã có những ý kiến đóng góp, trao đổi thiết thực được đưa ra với mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới một cách toàn diện và xuyên suốt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm