Bạo lực gia đình - vết thương ngoài da cắt chỉ sẽ hết, nhưng vết thương lòng rất khó lành

Phạm Thương
09/11/2021 - 16:42
Bạo lực gia đình - vết thương ngoài da cắt chỉ sẽ hết, nhưng vết thương lòng rất khó lành

Ảnh minh họa.

Đó là chia sẻ của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, tại lớp tập huấn “Công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”, do Ban Công tác phía Nam Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức ngày 9/11.

Covid-19 "tiếp tay" cho bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình tăng lên và nghiêm trọng hơn trong đại dịch Covid-19 là thông tin được nhiều tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực xác nhận. Bao gồm bạo lực do chồng/bạn tình và các thành viên trong gia đình gây ra với nhiều hình thức khác nhau do hạn chế đi lại, môi trường khép kín trong nhà trong một thời gian dài và căng thẳng gia đình leo thang. Người bị bạo lực phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Tiến sĩ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trích dẫn: Trong đại dịch Covid-19, nguy cơ bạo lực giới gia tăng cao. Số lượng tham vấn qua Tổng đài 1900969680 và mạng xã hội của Ngôi nhà Bình Yên tăng 7 lần. Ngôi nhà Bình Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn khủng hoảng, can thiệp khẩn cấp, giải cứu gần 30 vụ, tăng 40%. Trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2021, số lượng người gọi qua tổng đài và đường dây nóng vào khoảng 1.100 cuộc, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020.

“Bạo lực gia đình” vết thương ngoài da cắt chỉ sẽ hết nhưng vết thương lòng rất khó lành - Ảnh 1.

Ban Công tác phía Nam Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức lớp tập huấn “Công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, cho biết: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến trẻ em trong 15 ngày (từ ngày 15 đến 30/4/2020), với một bộ câu hỏi dành cho trẻ em dưới 18 tuổi ở miền Bắc, Trung, Nam và người chăm sóc trẻ. Với trên 2.700 bản trả lời đã cho kết quả: Thời kỳ này 60% trẻ gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn. Bên cạnh đó, do các thành viên gia đình thường xuyên ở nhà cùng nhau, 48% trẻ tham gia khảo sát cho biết gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. 32,5% trẻ em cảm thấy cha mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này.

“Bạo lực gia đình” vết thương ngoài da cắt chỉ sẽ hết nhưng vết thương lòng rất khó lành - Ảnh 2.

Lớp tập huấn được tổ chức trực tuyến với 11 điểm cầu

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng chỉ ra rằng: "Một đứa trẻ thường xuyên bị đánh đập, la mắng hoặc chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, bản thân trẻ không chỉ tổn thương về mặt sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Về sức khỏe thể chất sẽ bị thương tích đau đớn, có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong. Về sức khỏe tinh thần, trẻ sẽ ám ảnh bị bạo lực, chán nản, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, hoang mang, trầm cảm; cảm thấy cuộc sống nặng nề, căng thẳng và tuyệt vọng. Về sức khỏe sinh sản có thể mang thai ngoài ý muốn, thai nhi suy dinh dưỡng, sẩy thai, đẻ non, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV. Đứa trẻ sống trong môi trường thường xuyên bị bạo lực gia đình, trẻ lì hơn, tính cách hung hăng hoặc bắt chước theo hành động sai trái của người lớn. Trẻ mất đi tuổi thơ, học hành dễ sa sút. Đặc biệt, với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường khóc nhiều, suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ, e ngại khi tiếp xúc với người lạ.

Cách chống tình trạng bạo lực "nở rộ"

Công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, mà là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Trong đó, bản thân nạn nhân cũng phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo. "Im lặng cũng là tội ác. Nhiều người mẹ chịu đựng bạo lực để con có đủ cha mẹ, gia đình không bị khiếm khuyết, nên bạo lực ngày càng gia tăng. Một người phụ nữ bị ảnh hưởng bạo lực gia đình, cho dù vết thương bên ngoài có lành đi, nhưng vết thương lòng sẽ còn âm ỉ. Vết thương ngoài da thì cắt chỉ sẽ hết, bầm mắt, bầm người thì có thuốc tan máu bầm, nhưng tổn thương tinh thần khó mà nguôi ngoai. Những đứa trẻ sống trong gia đình bị bạo hành cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Đứa trẻ sẽ ngấm ngầm, uất hận và một ngày nào đó dễ bùng phát hành vi sai lệch", Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh.

“Bạo lực gia đình” vết thương ngoài da cắt chỉ sẽ hết nhưng vết thương lòng rất khó lành - Ảnh 3.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM

Để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới thông qua đảm bảo an sinh xã hội, Tiến sĩ Dương Kim Anh cũng chỉ ra nhiều giải pháp, như: Duy trì, mở rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ sinh kế và tự chủ về mặt tài chính cho các nhóm đối tượng phù hợp với tình hình thực tế; Nhân rộng và nâng cao chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thông qua nâng cao nhận thức…

Bên cạnh đó, vợ chồng phải biết cách ứng xử tế nhị, tôn trọng giúp đỡ nhau. Trường hợp vợ chồng có xung đột nên thẳng thắn trao đổi để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tạo không khí hòa thuận, cùng có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam và tác hại của bạo lực giới, bạo lực gia đình; Hành vi bạo lực phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bị bạo lực phải được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời, bố trí nơi lánh tạm, tư vấn tâm lý, pháp luật; tạo việc làm ổn định, giảm thiểu nạn thất nghiệp sau mùa dịch…

Ngày 9/11, Ban Công tác phía Nam Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức lớp tập huấn "Công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" cho 80 học viên là lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác ban gia đình ở các sở, ngành và cán bộ Hội LHPN các tỉnh phía Nam. Hình thức tổ chức trực tuyến với 11 điểm cầu. Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tham dự tại chương trình.

Lớp tập huấn nhằm mục đích trao đổi một số vấn đề thực tiễn hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và trang bị kỹ năng lồng ghép giới trong tham mưu chính sách tại địa phương cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" (Đề án 938 của Chính phủ).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm