Cần triển khai sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới

PV
03/11/2021 - 10:55
Cần triển khai sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới

Chương trình truyền thông về bình đẳng giới ở cơ sở. Ảnh minh họa: KT

Đây là một trong những nội dung nhiệm vụ được Ủy ban Xã hội nêu ra trong việc thực hiện định hướng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Sáng nay (3/11) diễn ra Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021, của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tham luận tại hội nghị, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã khiến nước ta tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có lĩnh vực xã hội. Trong bối cảnh đó, việc triển khai định hướng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, cụ thể là: Quán triệt sâu sắc và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; Bảo đảm xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội…

Cần triển khai sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới - Ảnh 1.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ảnh quochoi.vn

Nêu một số mục tiêu tổng quát hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực xã hội trong những năm, ông Đặng Thuần Phong nêu rõ: Về lao động - việc làm, tiếp tục hoàn thiện thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, hướng đến việc làm bền vững, nâng cao chất lượng lao động; quan tâm hơn nữa đến lao động khu vực phi chính thức, lao động trong một số ngành nghề mới gắn với những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực; giải quyết những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Về những mục tiêu cụ thể, đại diện Ủy ban Xã hội cho biết một số nhiệm vụ lập pháp cần được ưu tiên, trong đó thể chế hóa đầy đủ nội dung của Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về công tác bình đẳng giới, bảo đảm phù hợp Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cần triển khai sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới - Ảnh 2.

Các đại biểu tại điểm cầu địa phương. Ảnh quochoi.vn

Đặc biệt, phát huy hiệu quả các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Nhiệm vụ lập pháp cần triển khai là: Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 5/2022); đồng thời sửa đổi Luật Bình đẳng giới.

Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc bố trí ngân sách xây dựng pháp luật thích đáng; Chấm dứt hiện tượng "xếp gạch, đặt chỗ", đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ; từng bước khắc phục tình trạng xây dựng luật chắp vá, manh mún, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm