Chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật, không để xảy ra "tham nhũng chính sách"

PV
03/11/2021 - 09:31
Chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật, không để xảy ra "tham nhũng chính sách"

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đây là nhấn mạnh của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Sáng nay (3/11), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021, của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội đến các điểm cầu trong cả nước.

Phát biểu quán triệt và chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, một chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ này.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, đến nay, nước ta đã có được hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế.

Theo Kết luận số 19-KL/TW, Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV và giao Đảng đoàn Quốc hội căn cứ Kết luận để hoàn chỉnh Đề án, thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện.

Bộ Chính trị nêu rõ, mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị xác định mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV là "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra".

Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và nội dung thực hiện.

Trong quá trình xây dựng, ban hành luật, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng, giám sát, phản biện quá trình lập pháp, thực thi pháp luật - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội - Hà Nội. Ảnh Q.Khánh

Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, trong giám sát, phản biện quá trình lập pháp và thực thi pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách"; không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật.

Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật.

Các cơ quan hữu quan phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là dự báo, đánh giá tác động của chính sách, việc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến người dân, doanh nghiệp - đối tượng chịu sự tác động của luật. Bảo đảm nghiêm túc, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật để có đủ cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, nhất là các cơ quan Trung ương cần tập trung, sớm triển khai Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật.

Tại Hội nghị, đại diện Chính phủ, một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, địa phương đã trình bày tham luận về các dự kiến kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các giải pháp bảo đảm thực hiện Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV.

6 quan điểm chỉ đạo đối với công tác xây dựng pháp luật

(1) Bảo đảm công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng; hướng đến mục tiêu vì con người, vì Nhân dân, nhân đạo, nhân văn;

(2) Tạo lập đầy đủ hành lang pháp lý để bảo đảm tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khung khổ Hiến pháp và pháp luật;

(3) Tạo đột phá thực sự về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy XDPL từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước;

(4) Bảo đảm dân chủ thực chất và thu hút sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình XDPL;

(5) Bảo đảm đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng;

(6) Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm