Thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

An Khê
28/02/2022 - 16:09
Thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa

Tại chương trình đối thoại chính sách "Hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu sau ảnh hưởng dịch Covid-19" do Hội LHPN Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức chiều 28/2, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại diện Hội LHPN các tỉnh.

Phát triển theo hướng "thuận thiên"

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết hiện nay, phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi thực hành kỹ thuật canh tác cũng như ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo phương pháp, tiêu chuẩn an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Cụ thể với huyện Trần Văn Thời, dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động không nhỏ đến bố trí mùa vụ cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm; kinh tế, đời sống, tinh thần của người dân, trong đó có hội viên, phụ nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời gian qua, Hội đã nỗ lực cùng với chính quyền địa phương làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai; các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường dần được hình thành và được hội viên, phụ nữ áp dụng thực hiện có hiệu quả, trong đó tiêu biểu: Mô hình sinh kế nuôi dê, nuôi gà nòi sinh học, nuôi vịt xiêm tại xã Khánh Hải và xã Khánh Hưng; các mô hình sinh kế này giúp hội viên, phụ nữ tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Về ưu điểm của mô hình nuôi dê, gà, vịt này thích hợp với khí hậu ở Cà Mau, tận dụng một số thức ăn tại địa phương như: cỏ, cây chuối đã thu hoạch trái; tận dụng cây lá ở địa phương để làm chuồng trại đỡ chi phí; tạo việc làm cho một số chị em nhàn rỗi ở nông thôn. Kết quả từ mô hình của 30 hộ chăn nuôi dê, gà, vịt theo hướng sinh học này rất khả quan. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc giãn cách xã hội và do biến đổi khí hậu nên chất lượng sản phẩm thấp, đầu ra sản phẩm không có mà chỉ bán lẻ cho người dân mua nên giá thành rất thấp, mô hình này chưa được nhân rộng nhiều.

Đây là mô hình sản xuất chăn nuôi gắn liền với người nông dân tại các vùng nông thôn, hiện tại cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trong toàn huyện đều có nhu cầu và mong muốn được duy trì nhân rộng bởi sự thu hút và lợi nhuận mà mô hình mang lại. Thêm vào đó, đây còn là mô hình phát triển sinh kế phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là giải quyết được việc làm cho hội viên phụ nữ sau dịch Covid-19, vì thế theo nguyện vọng và mong muốn thì mô hình trên cần được nhân rộng. Tuy nhiên, cần sự đồng bộ từ nguồn cung cấp con giống đến giai đoạn tiêu thụ sản phẩm.

Thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu  - Ảnh 2.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giải đáp thắc mắc

Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược  phát triển nông nghiệp nông thôn, chia sẻ, phải khẳng định là vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp. Hiện nay, 50% lao động trong nông nghiệp là phụ nữ. Theo thống kê, trên 30% chủ hộ doanh nghiệp về nông nghiệp là phụ nữ. Trong chương trình OCOP có rất nhiều thành công, trong đó chủ thể nữ gần 40%. Một số vùng miền núi cao hơn như phía Bắc 50%, Tây Nguyên cao hơn 50%. Những số liệu trên cho thấy vai trò của người phụ nữ. Các doanh nghiệp đã thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là những kiến nghị về biến đổi khí hậu. Việt Nam là 1 trong số 5 nước chịu ảnh hưởng rất nhiều của biến đổi khí hậu. Cách đây hơn 1 năm, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP phát triển theo hướng "thuận thiên" ngày 17/11/2017, quan trọng nhất chính là biến đổi khí hậu.

Ứng dụng chuyển đổi số giúp tối ưu hóa mô hình kinh doanh, tiết kiệm nguồn lực

Cũng tại sự kiện, bà Lại Việt Anh, đại diện Bộ Công Thương, đã giải đáp thắc mắc của đại diện Hội LHPN tỉnh Thái Bình về thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp và người dân áp dụng. Trên thực tế, phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận internet và thị trường thương mại điện tử.

Thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu  - Ảnh 3.

Bà Lại Việt Anh, đại diện Bộ Công Thương, giải đáp câu hỏi của Hội LHPN tỉnh Thái Bình

"Giai đoạn đầu, chỉ khoảng 20% các hộ bị ảnh hưởng, làn sóng thứ 2 là 40%, làn sóng thứ 3 là 70% các hộ bị ảnh hưởng, như vậy tốc độ ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều người quan tâm đến vấn đề không để đứt gãy cung ứng sản phẩm. Đã có một số chính sách thúc đẩy tiêu thụ doanh nghiệp nên làm là kết hợp với Bộ Công Thương. Thực tế cũng đã có các trang trại, công ty được hưởng chính sách đó. Bên cạnh đó, có những giải pháp khác nhau như Tổ công tác 970 Hành động vì nông sản Việt, trực tiếp là các lãnh đạo Bộ, tổ công tác miền Trung và miền Bắc thường xuyên kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian Covid-19 tại Việt Nam, các tổ này đã hoạt động rất quyết liệt và tiếp tục duy trì kết nối các sản phẩm nông sản, tổ chức các diễn đàn. Việc xây dựng số hóa cơ sở dữ liệu thị trường trong nước, thúc đẩy sàn giao dịch điện tử, đây là những chính sách tiêu thụ sản phẩm", bà Lại Việt Anh cho biết.

Bà Lại Việt Anh cho biết thêm, đã có sự thay đổi lớn khi thương mại điện tử phát triển hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc ứng phó với biến đổi cả về khí hậu và xã hội. Vai trò không thể phủ nhận của ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, tiết kiệm được nguồn lực, khâu trung gian có thể tăng được sự thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp cả về mặt tự nhiên biến đổi khí hậu và xã hội. Đặc biệt sự chênh lệch giữa hộ gia đình không có internet rất ít chỉ khoảng 1,5%. Độ phổ cập internet công nghệ 3G, 4G, phổ cập điện thoại di động của Việt Nam đứng 2/10 thế giới. 63,1% dân số Việt Nam dùng điện thoại di động. Việc tiếp cận internet của phụ nữ nói chung, các mức độ sử dụng internet, thương mại điện tử đã được phổ cập hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm