Thái Nguyên hiện đứng đầu về tỷ lệ nữ cử viên đại biểu Quốc hội trong 7 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc

16:10 | 14/04/2021;
Với tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội tính tới thời điểm này đạt 70,59%, Thái Nguyên đang là tỉnh đứng đầu về tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội trong 7 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Sáng nay (14/4) đã diễn ra Hội nghị ký giao ước thi đua Cụm thi đua các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc năm 2021, tại Tuyên Quang. 

Theo báo cáo đánh giá công tác của cụm 7 tỉnh, gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, cho thấy: Sau hiệp thương lần thứ hai, tỷ lệ nữ ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 của 7/7 tỉnh trong Cụm đều đạt trên 35%, trong đó:

Tỷ lệ nữ ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cao nhất trong Cụm là 70,59% (Thái Nguyên); thấp nhất là 38,5% (Bắc Giang).

Tỷ lệ nữ ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh cao nhất là 57,14% (Bắc Kạn); thấp nhất là 35% (Yên Bái).

Tỷ lệ nữ ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND huyện cao nhất là 45,24% (Tuyên Quang); thấp nhất là 37,4% (Yên Bái).

Tỷ lệ nữ ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã cao nhất là 41,63% (Tuyên Quang); thấp nhất là 37,3% (Bắc Giang).

Thái Nguyên hiện đứng đầu về tỷ lệ nữ cử viên đại biểu Quốc hội trong 7 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Một Phiên họp của Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng

Theo báo cáo, Hội LHPN 7 tỉnh trong cụm đã tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các văn bản về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đến 100% cán bộ Hội và chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền đến đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ.

Đồng thời cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: Đăng tải các nội dung tuyên truyền về cuộc bầu cử trên trang thông tin điện tử, fanpage của Hội; bản tin Thông tin phụ nữ; biên tập, phát hành tài liệu sinh hoạt hội viên dưới dạng hỏi đáp, tập trung giải đáp quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử của hội viên, phụ nữ.

Tuy nhiên, sau Hiệp thương lần 2, còn có đơn vị chưa đạt tỷ lệ 35% nữ ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, cụ thể như: Bắc Giang: 46 xã chưa đạt tỷ lệ 35% nữ ứng viên; Thái Nguyên: 01 huyện và 23 xã; Hòa Bình: 01 huyện chưa đạt tỷ lệ ứng viên theo yêu cầu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn