Trong ký ức của nhà thơ Văn Công Hùng, Nguyễn Xuân Khánh là "một ông già hiền lành, nho nhã, bặt thiệp, cười rất hiền. Giữa đám nhà văn nhốn nháo như bọn mình, ông cứ khoan thai hiền từ mơ màng như... cõi khác.
Nhưng văn ông đọc thì sướng. Việt Nam người có văn đọc sướng như ông không nhiều. Sách ông cứ dày cộp mà toàn phải đọc một hơi.
Đời ông lận đận, may chưa bi kịch quá như một số nhà văn cùng thời, nhưng cũng từng gần như... treo bút. Tiểu thuyết Hoang tưởng trắng phải đổi cả tên sách lẫn tên tác giả (thành Đào Nguyễn) và được một ông rất cứng đầu hồi ấy in là NXB Đà Nẵng với nhà văn Đà Linh... Nhưng cuối đời thì ông vụt sáng trở lại, ông lại là Nguyễn Xuân Khánh.
Vĩnh biệt ông, một người tài hoa và hiền".
Nhà văn Nguyễn Bích Lan: "Cảm ơn ông vì đã sống một cuộc đời cầm bút vượt qua bao cơ cực để lại cho người đọc những tác phẩm thực sự đáng đọc.
Phải đọc tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo bạn mới hiểu bi kịch của trí thức giữa cái thời vật chất lên ngôi, chữ nghĩa và văn hóa không ăn được chẳng được coi ra gì. Và cũng phải đọc Hồ Qúy Ly bạn mới thấy, à hóa ra Việt Nam ta cũng có một tấm chân dung nhân vật lịch sử được dựng bằng ngôn từ một cách khá công tâm mà không phụ thuộc vào sự chỉ đạo hay đường lối của bất cứ ai, bất cứ cái gì, ngoài cái tâm và tầm của người cầm bút".
Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang: "Có những con người ta có cơ may được hạnh ngộ, dù chỉ đôi ba lần, nhưng có khả năng đánh thức trong ta những giá trị đẹp của cuộc sống, thậm chí làm thay đổi nhân sinh quan của ta. Chú Nguyễn Xuân Khánh là một người như vậy. Một người điềm đạm, giản dị, sâu sắc về văn hóa, ân cần nhẹ nhõm trong giao tiếp. Một người mà khiến cho một người làm báo như tôi hiểu được thế nào là cái "lãi" của nghề, là được gặp những con người như chú".
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Khoa: "Không chỉ là nhà văn lớn, con người gốc Hà Nội đến tuổi 80 vẫn mảnh khảnh thư sinh, với khuôn mặt có chiếc răng khểnh tinh nghịch thoáng nụ cười kiêu ngầm đáng yêu ấy chắc chắn còn là một nhân cách kẻ sĩ đáng kính. Trọn đời ông sống thanh bần an vui bằng ngòi bút, uyên bác mà gần gũi, liên tài cùng các nhà văn cùng thế hệ và các nhà văn trẻ, đặc biệt khinh ghét những kẻ cơ hội, giả dối, trục lợi bằng văn chương. Không gì có thể bẻ cong ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh được, dù là cường quyền, danh vọng hay tiền bạc.
Ông như một hiền sĩ xưa còn sót lại thời nay, ung dung tự tại sống ẩn dật trong một căn nhà nhỏ ở một ngõ nhỏ trên con đường nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội, đường Trần Khát Chân".
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ những gì ông cảm nhận về Nguyễn Xuân Khánh cách đây 10 năm, khi ngồi bút của nhà văn vẫn còn sung sức:
Từ khi lão chàng "tái xuất giang hồ" trường văn trận bút thì thành hiện tượng. Hiện tượng "năm nhất". Nhất một, lão chàng là một trong số ít nhà văn Việt Nam tuổi cao vẫn viết đều, viết nhiều, càng già càng dẻo tay viết. Nhất hai, cuốn nào viết ra cũng dày, in thành sách đều ngót nghét nghìn trang. Nhất ba, lão chàng chỉ viết bằng tay trên giấy, nhất quyết không chơi cái anh bàn phím vi tính tinh vi. Nhất bốn, sách của lão chàng chỉ thủy chung in ở một nhà xuất bản của đàn bà nước Nam (NXB Phụ nữ). Nhất năm, cuốn nào của lão ra tuy dày nhưng luôn được tái bản, và có duyên với các giải thưởng. Đấy là cái duyên định của lão chàng.
Triết lý "tùy duyên" của nhà Phật được lão chàng tâm đắc và quán định. Có duyên thì gặp đời gặp đạo, gặp người gặp văn. Và gặp được lão chàng. Gọi lão vì đã tám mươi tuổi ta. Nhưng lão vẫn còn "phong độ hào hoa" trong cái dáng người gợi nhớ một thời lãng mạn, hồn nhiên tuổi trẻ, trong đôi mắt như cười, trong vài ba cái chép miệng tiếc nuối, nên vẫn là chàng.
Lão chàng vẫn còn nuôi ý định viết một cuốn tiểu thuyết nữa về Hà Nội, vâng cái mảnh đất kinh kỳ nhiều ánh sáng và cả bụi bặm lão chàng rất yêu quý và rất lo buồn. Còn sức lão chàng còn viết. Còn sức, lão chàng còn đi, nhất là đến những nơi chùa chiền, đi tìm những cái đẹp quanh mình. Còn sức, lão chàng còn dịch sách. Còn sức, lão chàng còn tiếp tục tỏa rạng thêm tên mình, ông "Phật văn" Nguyễn Xuân Khánh".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn