'Chuyện ngõ nghèo': Sống dậy ký ức thời khốn khó

31/10/2018 - 08:38
“Chuyện ngõ nghèo” vừa được trao giải "Sách hay" lần VIII - 2018 do Viện Giáo dục IRED, Quỹ Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức, thuộc hạng mục Sách văn học.
Tên gốc của cuốn tiểu thuyết là “Trư cuồng”, cũng có khi gọi là Porcinomanie trong những anh em quen biết chuyền tay nhau mà đọc lén. Mãi đến năm 2016, cuốn sách mới được NXB Văn học và công ty sách Nhã Nam xuất bản với tên tựa đề "Chuyện ngõ nghèo".
 
“Chuyện ngõ nghèo” là câu chuyện nuôi lợn của thành phố Hà Nội những năm tháng khốn khó nhất sau chiến tranh. Trước sức ép của nghèo khó, người người Hà Nội, nhà nhà Hà Nội bước vào công cuộc nuôi lợn. Không những nông dân, mà nhà văn, nhà báo, giáo viên, lính về hưu, công chức... đều bước vào miền nuôi lợn. Lợn là nguồn hi vọng của những con người nghèo khổ thời bấy giờ.
 
nha-van-nguyen-xuan-khanh.JPG
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

 

Nhưng cái hay là từ câu chuyện tưởng như rất đỗi bình dị đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dựng nên cả một đời sống đầy mùi lợn, phóng chiếu ra xã hội để nhìn rõ sự ô nhiễm, bất an, con người ngày càng tha hóa đi, cắn xé nhau, truy đuổi nhau, giành giật nhau... Tác phẩm đặt ra câu hỏi lớn rằng có phải con người ngày càng ít nhân tính, nhiễm thú tính và chuyện đó là do hoàn cảnh xô đẩy hay là tại chính mình? “Chuyện ngõ nghèo” đã rất xuất sắc đặt ra những vấn đề mà cả nhân loại cùng phải quan tâm” - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét.
 
Trong “Chuyện ngõ nghèo”, Lân - người bạn tâm huyết cùng nghề nuôi lợn với nhà văn Nguyễn Hoàng - một thương binh nuôi lợn đến trình độ nghệ sĩ. Lân đặt cho đàn lợn những cái tên hào hùng như: Chiến Binh, Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm... Ngày đêm, Lân túc trực bên dòng sông đen, vớt đồ thừa thãi từ các lò mổ về chế biến như một “nhà máy” thức ăn phục vụ cho đàn lợn của anh.
 
Từ câu chuyện nuôi lợn ấy, Nguyễn Xuân Khánh đi sâu khai phá cái căn nguyên bản chất đang ẩn nấp nơi thâm cùng của con người, khơi gợi những vùng ký ức khuất lấp của con người để đặt ra những câu hỏi truy vấn trăn trở về bản chất của loài người, về ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi con người.
 
Cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” đã lột tả được một hình ảnh Hà Nội vô cùng sinh động những năm khốn khó cùng quẫn nhất. Đến bây giờ sau 36 năm, nó trở thành một tư liệu quý, lấp vào những khoảng trống ký ức của chúng ta thời kỳ ấy, để độc giả hôm nay cũng có những hình dung gần gũi hơn về đời sống thời bấy giờ.
 
295f998a-bbc9-4f88-aef8-c3c63be8b91e.jpg
“Chuyện ngõ nghèo” là một tác phẩm có nhiều cách tân của Nguyễn Xuân Khánh

 

Nguyễn Xuân Khánh cũng đã chia sẻ tâm tư của ông về “Chuyện ngõ nghèo”: “Cuốn này là thành công nhất của tôi, tôi thích nó nhất. Tôi quan niệm tiểu thuyết hiện thực là phải cân đối giữa màu hồng, màu xám. Nếu viết một cuốn sách mà không đúng liều lượng các màu sắc thì người đọc rất tinh sẽ nhận ra ngay. Toàn màu hồng người ta thấy ngay giả dối, toàn màu xám cũng không được. Tôi muốn cân bằng, để người đọc cảm nhận thực về đời sống. Nếu thực hơn thực thì càng tốt. Còn không được, thì phải ở mức người đọc chấp nhận được”.

 

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia kháng chiến. Trong khoảng 10 năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm