Kèm con học bài khiến mẹ "bốc hỏa". Ảnh minh họa internet. |
“Học gì mà ngu thế, xem có đứa nào dốt như mày không?”, “Có mỗi phép tính đơn giản thế này cũng không làm được thì hỏi mày làm được gì?, “Trời ơi, sao tao khổ thế, sao tao không đẻ được đứa con thông minh một tí”… Sau những tiếng gằn rít là tiếng đập bàn, đập ghế, tiếng ném sách vở, hộp bút, tiếng mẹ đánh, con khóc. Mớ âm thanh hỗn loạn ấy chỉ chấm dứt khi con đã học xong bài.
Chị Minh Nguyệt rất mệt mỏi khi ngày nào cũng phải kèm con học. Con không tập trung nên dạy trước quên sau, thế nên mỗi lần dạy con chị đều “bốc hỏa”. Chị không kiềm chế nổi khi con lúng túng trước một phép tính đơn giản.
Học trong sự lo lắng, sợ sệt, con không thể tiến bộ. Ảnh minh họa internet. |
Đi làm ở cơ quan đã căng thẳng, về nhà lại đủ thứ việc không tên, vậy mà không những không được nghỉ ngơi, tối nào chị cũng lao vào “cuộc chiến” với con. Chị lo lắng, nếu không kèm con thì con không thể theo được các bạn trên lớp. Thế nên, dù nhiều hôm mệt đến kiệt sức, chị vẫn phải dạy con học. Con chị, tối nào học mà nước mắt cũng lưng tròng. Chính vì học trong sự lo lắng, sợ sệt nên kết quả học của con hầu như không tiến bộ.
Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy): Cha mẹ cần thay đổi quan điểm, học là việc của con, thế nên hãy để con tự học - đây chính là một trong những tiêu chí quyết định thành công của một cá nhân. Không có khả năng này, mọi kiến thức con có chỉ gói gọn trong những bài học lý thuyết đơn thuần. Như vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, con chỉ có từng đó kiến thức. Dần dần, qua năm tháng, con sẽ tụt hậu, kém cỏi thật sự. Đến lúc đó, cha mẹ sẽ giúp con thế nào?
Nếu con cần giúp đỡ, cha mẹ cần gợi ý cho trẻ tự tư duy. Ảnh minh họa |
Khi có cha mẹ bên cạnh giảng giải, chỉ bảo, con sẽ có tâm lý ỷ lại. Con học cả ngày ở trường cũng đã rất mệt, về nhà lại nghe bố mẹ la mắng thì kiến thức rất khó vào đầu. Cần khuyến khích con tập trung học trên lớp để kiến thức thu về được nhiều nhất, về nhà không nên bắt con học quá nhiều. Nếu gặp bài khó, khi con hỏi, cha mẹ nên gợi ý, hướng dẫn cho con tự tư duy và tìm ra kết quả, tuyệt đối không nên làm hộ cho con.
Cô giáo Nguyễn Thị Khánh, Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội): Trong mỗi buổi học, phụ huynh cần đề ra mục tiêu rõ ràng cho con. Ví dụ như với bài tập này, yêu cầu con phải làm xong trong 15 phút, bài kia trong 10 phút. Với quy định thời gian rõ ràng, trẻ sẽ học được cách làm việc hiệu quả, khoa học và tạo thói quen tập trung. |