pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ nguyên mới và văn hóa phát triển Việt Nam - Bài 1: Kỷ nguyên của một nền văn hóa toàn diện

Chương trình “Tết làng Việt” tại làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh minh họa: TTXVN
Nhìn lại 40 năm qua, Đảng ta chủ động phân kỳ phát triển xã hội chủ nghĩa bao trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gồm:
"Chặng đường đầu tiên" có nhiệm vụ tạo trạng thái ổn định vững chắc để chuẩn bị tiền đề thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
"Chặng đường thứ hai" dự kiến đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 và phải điều chỉnh đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong toàn bộ công việc hệ trọng đó càng đòi hỏi chúng ta về tầm nhìn mới, trước sứ mệnh mới, với mục tiêu mới, bằng sự chuẩn bị toàn vẹn thực lực mới và hành động với phương lược hành động mới.
Diễn đạt một cách hình ảnh, Kỷ nguyên mới là thời kỳ thách thức và hoá giải mọi giới hạn phát triển, bằng nắm lấy thời cơ, xuất phát từ chính mình, với bản lĩnh tự tôn, tự trọng, tự cường và hành động quyết liệt, không thể rụt rè, do dự hay chờ đợi, cầu toàn, vì sự hùng cường và danh dự đất nước.
Nó đòi hỏi về nghệ thuật xử lý thời và thế, mở tầm viễn kiến chiến lược, hoạch định quyết sách chính trị đúng đắn, tập hợp lực lượng đông đảo, tìm tòi hệ giải pháp thực thi phù hợp, đồng bộ và đủ mạnh, tạo ra tốc độ phát triển vượt bậc của đất nước trong sự phát triển của thế giới trong tầm nhìn tới năm 2045.
Chúng ta hoạch định giai đoạn 2021-2025, nếu tốc độ tăng trưởng dự kiến từ 6,5% - 7%, nhưng thực tế năm 2021 chỉ tăng 2,56%; năm 2022 tăng 8,02%, năm 2023 tăng 5,05% và kết thúc quý 1 năm 2024 đạt 5,87%. Nghĩa là, những năm còn lại phải đạt từ 7% - 9%. Rất khó.
Đây là thách thức lớn. Về quy mô của nền kinh tế, năm 2020 đạt 343,6 tỷ USD, GDP theo đầu người là 3.521 USD; năm 2022, vượt trên 410 tỷ USD, bình quân đầu người đạt mức trên 4.000 USD; năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4.284 USD.
Nếu đặt mục tiêu 5.000 USD/người năm 2025, có thể thành. Tới giai đoạn 2026-2030, để đạt mức bình quân GDP theo đầu người khoảng 7.500 - 8.000 USD vào năm 2030 cũng rất khó, nếu thiếu sự đóng góp tương xứng của kinh tế số, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư (ICOR), năng suất lao động, tỷ lệ đô thị hóa và phát triển môi trường…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023). Ảnh: VOV
Và, giai đoạn 2030-2045, mục tiêu thu nhập bình quân 18.000 USD tính theo đầu người là có căn cứ nhưng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ, chất lượng tăng trưởng và song hành với nó là các chỉ tiêu về tuổi thọ trung bình, về môi trường kinh tế, xã hội, về chỉ số GINI (chỉ số dùng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập), chỉ số phát triển môi trường sinh thái... phải đạt bước phát triển mới. Tức là quy mô và chất lượng của sự phát triển.
Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) dự báo, năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (1.536 tỷ USD), để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới. T
heo CEBR, với ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như: Singapore, Thái Lan hay Malaysia và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tốc độ tăng GDP hằng năm được CEBR dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024-2028. Con số này sẽ là 6,4% trong 9 năm tiếp theo.
Đó là những thuận lợi rất cơ bản và thách thức rất nặng nề khi chúng ta xác định gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, tới phát triển xã hội song hành với phát triển con người, hạt nhân là con người là mục tiêu ưu tiên căn bản, hướng tới phát triển nhanh, mạnh nhưng bền vững và nhân văn trong tầm nhìn tới năm 2045.
Dự báo nửa đầu thế kỷ XXI, nhân loại đã và đang đối mặt với sự mất cân bằng mang tầm thảm họa trên quy mô toàn thế giới: thiếu nước, thiếu đất canh tác, thiếu lương thực, thiếu nhân lực và thiếu đạo đức, rộng ra là văn hóa.
Lịch sử của những quốc gia hoạch phát, hoạch tàn về kinh tế và xã hội đều cho thấy, họ thường thiếu một triết lý văn hóa về phát triển, cụ thể hơn là một nền văn hóa của sự phát triển bền vững.
Mặt khác, lịch sử phát triển của thế giới và đất nước hiện nay là lịch sử của sự phát triển ngắn hạn, nhất là về kinh tế. Một ngày kinh tế có thể thăng tiến bằng cả mười năm, thậm chí cả trăm năm, với tốc độ vũ bão. Và, người ta có thể đạt được sự tăng trưởng, thậm chí nhảy vọt về kinh tế, chỉ trong vài chục năm.
Nhưng, để có một nền văn hóa của sự phát triển lại đòi hỏi nhiều trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Một dân tộc sẽ không thể gọi là dân tộc hoàn thiện, khi không có văn hóa dân tộc, dù kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng kinh ngạc nhất thời nào đó.
Chúng ta không thể phát triển như mong muốn, nếu tách rời xu thế phát triển của thế giới, nếu không nói là tất yếu không thể đứng ngoài toàn cầu.
Vì thế, Kỷ nguyên mới, xét cho cùng, càng không chỉ là cuộc cách mạng trong cách mạng mà là một cuộc chuẩn bị văn hóa toàn diện, trước hết về tầm nhìn, lực lượng, phương thức phát triển, ý thức hệ và tâm lý quốc dân xứng đáng.
Nghĩa là, muốn phát triển bền vững, muốn đổi mới xã hội, phải đi tiên phong và toàn vẹn trên địa hạt văn hóa, mà trước hết phải thay đổi tư duy, phải nắm lấy văn minh, phải phát triển bản sắc dân tộc… tất cả phải đặt trên nền tảng văn hóa dân tộc phù hợp với văn hóa nhân loại hướng tới phát triển bền vững và nhân văn tương xứng.
Bài sau: Quốc chính, Quốc tín, Quốc khí làm nên Quốc thể Việt Nam