pnvnonline@phunuvietnam.vn
1 năm thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”: Hơn 16.600 trẻ mồ côi được hỗ trợ
Mẹ đỡ đầu Lâm Quỳnh Hoa, Chi hội phó chi hội phụ nữ KP5, P.14, Q.10, TP HCM (áo xanh) nhận đỡ đầu bằng cách dạy trẻ học tập, hỗ trợ đồ dùng học tập...
Hơn 16.600 trẻ mồ côi được hỗ trợ
Sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu", các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã trở thành cầu nối trực tiếp đẩy mạnh việc kết nối, vận động, tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Tính đến ngày 31/10/2022, theo báo cáo của 63 tỉnh/thành, các cấp Hội đã vận động được tổng số tiền trên 87 tỷ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 16.612 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 2.991 trẻ mồ côi do Covid-19. Bên cạnh hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp Hội còn kết nối, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với độ tuổi, tư vấn chăm sóc sức khỏe, tâm lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp… tạo điều kiện để các con được phát triển trong môi trường gia đình và cộng đồng, không để trẻ em nào bị bỏ lại ở phía sau.
Trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo giúp chương trình lan tỏa trong cộng đồng.
Nhiều địa phương đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do Covid-19 trên địa bàn có Mẹ đỡ đầu, hầu hết trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.
Đặc biệt, sự kiện "Mẹ đỡ đầu - yêu thương và sẻ chia" do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 vừa qua tại tỉnh Bình Dương là dịp để các cặp Mẹ - Con được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ. Đây là một trong những hoạt động truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan toả, kết nối cộng đồng cùng chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi.
7 giải pháp để "Mẹ đỡ đầu" hoạt động bền vững
Theo báo cáo số 101 ngày 28/11/2022 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, dù đã đạt được hiệu quả tích cực, song do là năm đầu tiên triển khai thực hiện nên Chương trình "Mẹ đỡ đầu" còn tồn tại một số hạn chế như: các cấp Hội LHPN lúng túng về phương pháp, cách thức triển khai, kết nối các nhà tài trợ, nhà hảo tâm.
Bên cạnh đó, một số nơi chưa có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nguồn lực vận động của Hội LHPN các cấp còn hạn chế, đặc biệt là đối với các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo...
Ở giai đoạn tiếp theo, để việc thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu hiệu quả, bền vững và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp cụ thể trong công tác rà soát, kết nối đối tượng, bồi dưỡng nâng cao năng lực của Mẹ đỡ đầu và vận động chính sách, huy động nguồn lực để thực hiện chương trình. Cụ thể:
- Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo và tuyên truyền rộng rãi tính nhân văn của Chương trình trên cả nước.
- Tiếp tục thực hiện công tác rà soát, khảo sát sát đối tượng, đảm bảo tiêu chí đỡ đầu, giúp đỡ kịp thời đúng đối tượng. Phối hợp với các ngành chức năng xác minh thông tin của trẻ mồ côi và người nuôi dưỡng đảm bảo đúng yêu cầu của pháp luật và quy định của nhà tài trợ.
- Làm tốt vai trò vận động, kết nối hỗ trợ cho trẻ em mồ côi; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, hội viên, phụ nữ tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình và người đại diện chăm sóc thay thế; quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm…
- Tùy điều kiện của địa phương, có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các Mẹ đỡ đầu, đặc biệt là các kiến thúc, kỹ năng về chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn; kết nối tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề…
- Hoàn thiện và ứng dụng phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu về trẻ côi và các thông tin liên quan trẻ mồ côi do Hội quản lý trong Chương trình.
- Tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành để có được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ, chăm sóc các trẻ mồ côi khó khăn.
- Tăng cường giám sát việc quản lý, điều phối và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo tính công bằng, kịp thời và hiệu quả; tham mưu kiến nghị, đề xuất chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp để phát triển toàn diện.
Hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" và chung tay cùng với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Covid-19, ngày 17/10/2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu của Chương trình là vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ đỡ đầu trẻ em mồi côi do Covid-19, trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày với tinh thần tự nguyện.