pnvnonline@phunuvietnam.vn
10 điều mẹ 9x cảm thấy đúng đắn khi nuôi con trong 6 tháng đầu, ai nghe xong cũng phải gật gù
Mới đây, chị Huyền Trân (Luật sư và cũng là mẹ của em bé Chiêu Dương, sống tại TP HCM) đã chia sẻ những điều bà mẹ trẻ rút ra được trong quá trình nuôi con. Lần đầu làm mẹ với nhiều bỡ ngỡ, chị Trân đã rút ra kinh nghiệm từ việc đọc sách, từ hội các mẹ bỉm sữa và đặc biệt là những trải nghiệm thực tế của bản thân. Các mẹ thử xem có thấy đúng không nhé.
1. Không nhất nhất phải theo phương pháp nuôi con nào
Có rất nhiều phương pháp, có rất nhiều khoá học nuôi con, khoá học làm cha mẹ. Mỗi cái mình đều đọc, xem và học qua nhưng mình xác định tuỳ cơ ứng biến. Mình sẽ theo nhu cầu của con, tuy nhiên con cũng cần hiểu đâu là giới hạn.
Ví dụ ban ngày con có thể chơi bao nhiêu cũng được, nhưng trưa là phải ngủ trưa. Tối con có thể chưa buồn ngủ nhưng đúng 7h30 phải lên giường. Con ăn bao nhiêu cũng được nhưng nếu mẹ mời nhiều lần vẫn không ăn thì đến cữ sau mới được ăn. Dần dần, hai mẹ con hiểu nhau hơn và thoải mái hơn rất nhiều.
2. Con phải có chỗ ngủ riêng, nơi chỉ để ngủ
Con có "cái ổ" riêng của mình với vị trí, độ sáng, nhiệt độ và các vật dụng quen thuộc. Khi vào cái ổ đó thì con sẽ hiểu sắp đến giờ đi ngủ.
Con ngủ riêng sẽ không bị ba mẹ làm phiền, ba mẹ cũng không sợ đè trúng con mà co ro. Hơn hết, ba mẹ có một chút thời gian riêng tư sau khi con ngủ để duy trì kết nối.
3. Không quá ám ảnh chuyện nuôi con bằng sữa mẹ
Mình luôn cố gắng để có thể nuôi con bằng sữa mẹ lâu nhất có thể. Tuy nhiên một số điều kiện cũng như lý do mà mình chỉ có thể duy trì sữa mẹ đến 6 tháng thôi.
Thay vì cuống cuồng lên hay tự trách bản thân thì mình dành thời gian âu yếm, chơi với con nhiều hơn. Mình nhận thấy con vẫn phát triển tốt bình thường và vui vẻ.
4. Cho con ra ngoài chơi sớm
Chiêu Dương đi công viên từ 1 tháng tuổi. Từ đó, hầu như chiều nào bé cũng được đi dạo mát ngoài trời hoặc đến khu trò chơi xem các anh chị lớn vui chơi. Nhờ vậy con thích nghi với nắng gió bụi tốt hơn, dạn dĩ và còn bắt chước theo bạn nhỏ khác.
2 tháng tuổi, mình đưa con về quê chơi bằng ô tô. 3,5 tháng tuổi, con đi du lịch xa bằng máy bay. Nhờ vậy bây giờ mình rất tự tin cùng con khám phá thế giới.
5. Chỉ dùng một loại bình sữa
Mình không nghĩ dùng nhiều loại bình sữa cùng lúc thì bé sẽ dễ thích nghi hơn vì kiểu gì cũng sẽ có một loại bé thích hơn. Trong những đợt biếng ăn, bé sẽ càng trở nên kén cá chọn canh hơn nữa.
Ban đầu mình test thử xem bé hợp với bình nào rồi chỉ mua cùng loại bình đó cho bé ti. Sau đó, cho dù có vấn đề gì xảy ra mình cũng không đổi bình sữa khác nữa. Tối đa là mình chỉ thử tăng kích cỡ núm ti thôi.
Càng đổi, càng rối. Có khi đáng lẽ đến hôm thứ 3 là con ăn lại bình thường rồi nhưng mẹ đổi bình, con ăn vì thấy thú vị rồi được 2 hôm lại nhận ra bất tiện quá, lại biếng. Mẹ lại rối.
6. Không dùng bảng cân nặng "chuẩn" để đánh giá con
Bảng đó không phải là tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển của một em bé. Ở các nước phát triển họ sẽ dùng cái biểu đồ để theo dõi bé.
Không chỉ cân nặng mà chiều cao và vòng đầu mới là yếu tố quan trọng - phản ánh đúng hơn. Con mình sinh ra có hơn 2,5kg thì làm sao so sánh được với em bé sinh ra đã 4kg? Con chỉ cần phát triển tốt hơn mình của ngày hôm qua thôi là tốt rồi.
7. Luôn có danh sách "Liên hệ y tế dự phòng"
Trước khi sinh mình đã hình dung ra danh sách này và lần lượt kiểm chứng để chọn cho con những bác sĩ phù hợp (và cũng phải thuận tiện nữa).
Ví dụ lúc mới sinh xong thì sẽ khám sức khoẻ cho bé ở đâu, nếu em bé bị các vấn đề thường gặp thì khám ở đâu, bệnh nặng thì điều trị ở đâu.
Và, mình luôn có trong liên hệ một hoặc một vài bác sĩ tin cậy để hỏi "tình trạng này có cần đi khám chưa bác". Chỉ cần bác nói “Yes” là mình bế bé đi liền - khám trực tiếp chứ không thể mô tả sơ sơ rồi xin thuốc được.
8. Không cắt móng tay quá sát
Để móng tay bé ra dài thì bé dễ cào xước mặt. Nhưng mình cũng không cắt móng tay bé quá sát mà luôn chừa một đường trắng nhỏ ở đầu móng.
Bé mới học cách sử dụng tay nên sẽ bấu, cào rất mạnh. Nếu cắt móng sát phao quá thì móng sẽ bị nong dần vào sâu bên trong. Rồi lại cắt sát, đến một ngày móng tay bé còn có có một mẫu. Mất form dáng, bị xấu lại còn khiến bé bị đau đầu ngón tay do mất phần móng bảo vệ.
9. Không rơ lưỡi mỗi ngày
Mình đã hỏi bác sĩ và bác nói không cần phải rơ lưỡi mỗi ngày. Con người có cơ chế tự làm sạch lưỡi bằng nước miếng. Nhất là bé bú sữa mẹ hoàn toàn thì lại càng không cần rơ và sữa mẹ không để lại cặn như sữa công thức.
Khoảng 3 4 ngày mình mới rơ lưỡi bé một lần. Hoặc những lúc bé không khoẻ, lưỡi sẽ trắng nhiều thì mình mới rơ thường xuyên. Nhờ vậy bé không bị sợ rơ lưỡi, không bị kích thích phản xạ ọe quá nhiều.
10. Rửa mông thay vì khăn ướt
Khăn ướt tiện thật, nhưng tốn kém và cũng không sạch triệt để. Nên mình chỉ dùng trong giai đoạn dưới 3 tháng tuổi. Sau đó, mỗi lần bé ị thì mình sẽ đưa bé vào toilet rửa, dùng khăn vải khô lau mông lại là xong. Vừa sạch vừa tiết kiệm mà quan trọng nhất là khô ráo không sợ bị hăm.
Các mẹ thấy những điều trên đúng bao nhiêu %?