10 lỗi người trẻ hay mắc phải khi tham gia phỏng vấn

30/05/2016 - 17:16
Mới đây, Business Insider của Mỹ đã dựa trên kinh nghiệm phỏng vấn rất nhiều người để tổng kết những lỗi phổ biến người trẻ tuổi dễ mắc phải khi xin việc.
mac-loi-khi-phong-van-1.jpg
1. Liệt kê quá nhiều các công việc không liên quan trong CV

Bạn lo lắng hồ sơ của mình không đủ chi tiết sẽ không nói lên hết năng lực của bạn, vậy nên cung cấp tất tần tật thông tin về mình trong ba trang giấy. Nhưng các nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian trong buổi phỏng vấn để nghiên cứu xem bạn đã từng làm những gì ở đâu, mà chỉ quan tâm kinh nghiệm bạn có liệu có thể đáp ứng công việc họ yêu cầu hay không. Vậy nên chỉ cần tóm tắt ngắn gọn kinh nghiệm của mình trong CV để nhà tuyển dụng nắm được thông tin trong nửa phút.

2. Thiếu 'sức sống'

Có thể do quá căng thẳng và lo lắng nên các ứng viên thường không thể hiện được 'sức sống' của mình. Bạn có thể nói thấp giọng nhưng đừng để người khác có cảm giác trầm lắng, buồn tẻ hoặc cho rằng bạn là người hướng nội. Khi tham gia phỏng vấn hãy tỏ ra vui vẻ, nhưng cũng đừng để mọi người thấy bạn quá hí hửng. Khi nhà tuyển dụng thấy bạn hăng hái với công việc đang tuyển sẽ là cơ hội cho bạn có được công việc này.

3. Ăn trong lúc phỏng vấn

Nếu bạn được hẹn phỏng vấn ở một nhà hàng hoặc quán cá phê có phục vụ đồ ăn, đừng ăn gì trong khi đang phỏng vấn nếu bạn không muốn nhà tuyển dụng mất tập trung hoặc không hài lòng khi thấy bạn nhai đồ ăn. Chỉ nên uống đồ uống đã được chuẩn bị trước trong lúc phỏng vấn.

4. Gửi CV dưới dạng video

Các nhà tuyển dụng sẽ chuyển giao hồ sơ xin việc của bạn cho nhân viên quản lý nhân sự để in ra, sau đó so sánh với các bản CV khác và chọn lựa. Do đó CV dưới dạng video có thể gây ấn tượng với người nhận nhưng lại không có tác dụng với nhà tuyển dụng chính. Bạn chỉ nên làm CV dưới dạng văn bản.

5. Hy vọng không thực tế

Một số bạn trẻ khi thể hiện mong muốn và khát vọng đạt được mục tiêu cao của mình thường nói quá đà, không thực tế, không phù hợp. Các doanh nghiệp chỉ cần biết về quá trình học tập và làm việc của bạn, trong buổi phỏng vấn bạn trình bày rõ những kỹ năng thực tế mình có được, nếu có thể chỉ cần nói đơn giản về hướng phấn đấu của mình là đủ.

6. Không kịp trả lời lại email

Doanh nghiệp từ chối một ứng viên tốt thường là do người đó không gửi hồi đáp kịp thời. Doanh nghiệp cần tuyển người thực sự mong muốn làm việc với họ, do đó một lời cảm ơn đơn giản cũng cho thấy bạn tôn trọng họ. Khi nhận được lời mời phỏng vấn, bạn không cần phải viết một bức thư dài dòng, chỉ cần viết vài câu cảm ơn đơn giản gửi lại cho công ty là đủ.

7. Thảo luận vấn đề lương

Hỏi về mức lương trong buổi phỏng vấn là điều bình thường, tuy nhiên ngay lần đầu tiên gặp mặt mà bạn đã thảo luận về một mức lương khác lại là điều không nên. Nếu thực sự muốn làm công việc đang tuyển bạn không nên thảo luận vấn đề lương ngay, mà cần qua một quá trình làm việc, khi công ty thấy được năng lực của bạn và muốn hợp tác với bạn lâu dài, lúc đó mới là lúc thích hợp để đàm phán tăng lương.

8. Mặc áo phông trong buổi phỏng vấn

Các bạn trẻ thường thích diện áo phông vì sự trẻ trung và thoải mái, tuy nhiên trang phục này không phù hợp đi đến buổi phỏng vấn xin việc. Các bạn nam mặc áo sơ mi, bạn nữ ăn mặc kín đáo nhưng vẫn hợp thời trang sẽ gây ấn tượng tốt cho các nhà tuyển dụng.

9. Không tìm hiểu lĩnh vực công việc trước buổi phỏng vấn

Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi bạn đã biết gì về công việc cũng như công ty đang tuyển dụng, nếu bạn ấp úng sẽ không gây được ấn tượng với họ. Tốt nhất hãy tìm hiểu trước những thông đến vị trí cần tuyển, thông tin cơ bản về công ty, thậm chí bạn có thể ghi vào sổ để đề phòng lúc hồi hộp đầu óc “trống rỗng” vẫn có thể liếc qua để trả lời.

10. Trả lời chung chung

Hầu hết các kiến thức và kỹ năng cơ bản của bạn đều thể hiện trên CV, và nhà tuyển dụng cũng nắm được một số thông tin trên đó rồi. Vậy nên buổi phỏng vấn là cơ hội đển bạn nói rõ hơn, cụ thể hơn về kinh nghiệm và khả năng làm việc của mình. Đừng chỉ nhắc lại những việc đã ghi trong CV hoặc trả lời câu hỏi một cách chung chung như “Có”, “Không”... Trước khi phỏng vấn bạn hãy nhớ lại những điểm mạnh và những thành công của mình để gây ấn tượng hơn với nhà tuyển dụng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm