Đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình, chị Nguyễn Thị Bế (ấp 2, tổ 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phải dùng tay bịt mũi vì không chịu được mùi hôi từ bãi rác. Chị cho biết: “Do nhà cách phía sau bãi rác có 20m nên mỗi lần gió là nó thối kinh khủng, không thể nào chịu được. Nắng còn đỡ, mưa xuống là ruồi muỗi vây tùm lum. Sống trong cảnh khốn khổ thế này sao người dân chúng tôi chịu được”.
Những đứa trẻ con nhà chị Thơm phải liên tục đi bệnh viện vì viêm đường hô hấp do ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước |
Nằm cách bãi rác hơn 100m, cả gia đình nhà chị Châu Thị Thơm (43 tuổi, xã Đa Phước) liên tục phải đi bệnh viện điều trị vì mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chị Thơm bức xúc: “Hễ trời chuyển mưa là mùi thối bốc lên, con của tôi không chịu được. Ngồi ăn cơm còn mắc ói chớ nói gì phải sống chung với rác thải. Dù chúng tôi có viết đơn cầu cứu lên địa phương nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết”.
“Sống bằng tiền lương công nhân hàng tháng, ăn còn không đủ chớ nói gì chuyển đến nơi ở mới. Cứ mỗi lần chính quyền xuống kiểm tra thì dân lại hi vọng, nhưng đã 10 năm nay cứ chờ đợi hoài vẫn chưa giải quyết cho dân. Không biết đến khi nào mới nhận được tiền trợ cấp, giải tỏa để thoát khỏi cảnh hôi thối này”, chị Thơm lắc đầu ngao ngán.
Những hộ dân sống gần bãi rác phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ nhiều năm nay |
Theo nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước cho biết, thời gian từ chiều tối đến đêm khuya, lúc các xe rác từ thành phố đổ dồn về bãi để xử lý là lúc mùi hôi bốc lên kinh khủng nhất. Bà Phan Thị Ngọc Huệ (xã Đa Phước) cho biết: “Cứ cách 5 phút là hàng chục chiếc xe rác nối đuôi nhau vào bãi, nhiều lúc rác vương vãi ra cả ngoài đường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dân ở đây ai cũng bức xúc”.
Những chiếc xe chở rác nối đuôi nhau vào bãi rác Đa Phước trên quốc lộ 50. |
Không chỉ bốc mùi hôi thối, những hộ dân sinh sống xung quanh bãi rác Đa Phước còn cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường nước khiến việc nuôi trồng thủy sản nhiều năm qua của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Dù được che chắn bởi hàng rào thép gai nhưng nhìn từ xa vẫn thấy "núi rác" Đa Phước sừng sững. |
Nhiều hộ dân nuôi tôm cá phải đối mặt với tình trạng chết hàng loạt vì nước bị ô nhiễm. Ông Huỳnh Văn Thiệt (ở ấp 1, xã Phong Phú) cho biết gia đình ông sống bằng nghề nuôi cá tôm, nhưng nhiều năm nay cá tôm thường hay bị chết khiến cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nguồn nước bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây ngứa ngáy, ghẻ lở cho nhiều người dân.
Việc bãi rác Đa Phước hoạt động gây ô nhiễm đã tồn tại từ nhiều năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết, di dời dân để ổn định cuộc sống. Để duy trì hoạt động của bãi rác, dù đã lập dự án di dời dân nhưng nhiều năm qua, việc đền bù, giải tỏa vẫn chưa diễn ra khiến những hộ dân sống gần bãi rác vô cùng bức xúc.
Những hộ dân trong vùng ảnh hưởng đang ngày đêm chờ đợi sự vào cuộc của các cấp chính quyền |
Là một trong những hộ dân thuộc diện vành đai xanh của bãi rác Đa Phước, anh Phúc (tổ 1, xã Đa Phước) cho biết, việc chính quyền địa phương đã đến nhà anh tiến hành đo đạc, đếm cây cối trong vườn nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. “Họ đến đếm cây, lúc ấy tôi đang trồng cây ăn quả, tưởng đâu sẽ sớm được giải tỏa nên bỏ hoang. Đợi mãi không thấy, giờ lứa cây ăn quả mới đã có trái nhưng vẫn chưa được di dời”, anh Phúc bức xúc.
Không chỉ riêng anh Phúc mà hàng trăm hộ dân thuộc hai xã Đa Phước và Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM), khu vực chịu ảnh hưởng từ bãi rác Đa Phước đều mong muốn nhanh chóng được hỗ trợ để di dời, tìm nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thắm mong mỏi: “Chỉ mong chính quyền quan tâm đến người dân, làm sao di dời chúng tôi càng sớm càng tốt, tiền kiếm ra mỗi ngày không đủ cho con cái đi bệnh viện thì sao sống nổi”.
Cũng theo nhiều cơ quan chuyên môn của TP.HCM, mùi hối thối tại khu Nam Sài Gòn thời gian gần đây cũng có thể bắt nguồn từ bãi rác Đa Phước.
Được biết, bãi rác Đa Phước được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2007, nằm tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM với bãi chôn lấp được thiết kế có công suất 10.000 tấn rác thải mỗi ngày. Dự án dự kiến bao phủ trên diện tích 138 ha, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm. Trước đây, khu chôn lấp rác của Đa Phước chỉ tiếp nhận 3.000 tấn/ngày, nhưng trong hơn một năm nay đã tăng thêm khoảng 2.000 tấn/ngày. Chính việc tăng số lượng rác xử lý phần nào đã gây áp lực không chỉ cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến vấn đề giao thông trên tuyến quốc lộ 50 khi mỗi ngày ước tính có khoảng 500-600 lượt xe chở rác lưu thông.